Để dư luận đồng thuận, nên công khai thành tích ông Võ Đình Thường

Phó phòng CSGT Đồng Nai Võ Đình Thường từng bị kỷ luật về việc mãi lộ ở trạm CSGT Dầu Giây cách đây 14 năm. Hiện, ông Thường lại quản lý ở chính lĩnh vực mà trước ông bị kỷ luật.

Theo luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay: “Việc này không vi phạm luật pháp Việt Nam. Luật không quy định với những người đã được xóa án kỷ luật thì không được bổ nhiệm lại vị trí cũ.

Cán bộ mắc sai phạm thì cần có thời gian sửa sai và cấm làm ở lĩnh vực vừa vi phạm trong một khoảng thời gian nhất định chứ không phải cấm suốt đời. Chúng ta cũng đã có quy định, cán bộ từng tham ô thì không được làm trong ngành kinh tế, thủ quỹ trong thời gian từ 3-5 năm... Một số lĩnh vực khác cũng có quy định tương tự. Hết thời gian đó, cán bộ mắc sai phạm được phép làm lại”.

Thượng tá Võ Đình Thường.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Thuận, một khi đã có án kỷ luật mà người ta gọi nôm na là “vết chàm” thì người cán bộ phải cố gắng hơn bình thường rất nhiều lần để gột rửa “tiếng nhơ”, làm sao cấp trên, các cán bộ khác trong cơ quan và nhân dân thấy rõ sự nỗ lực thay đổi của mình trong việc cống hiến, đóng góp, sáng tạo trong công tác, chuyên môn.

Đặc biệt, với những cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, vi phạm bị đông đảo công chúng biết tới, theo tôi, khi xóa án kỷ luật cần công khai những thành tích của cá nhân đó để nhân dân biết được.

“Trong vụ việc của Thượng tá Võ Đình Thường, tới thời điểm này, dù đã 14 năm trôi qua, nhưng dư luận hiện vẫn đang xôn xao vì cho rằng, một người từng bị cho ra khỏi lực lượng CSGT nhưng hiện nay vẫn được trở lại và làm lãnh đạo. Khi dư luận còn xôn xao, thì cơ quan nơi cán bộ đó công tác và cả bản thân người đó cần phải chứng minh sự nỗ lực của bản thân từ thời gian bị kỷ luật tới nay để dư luận được biết và đồng thuận với các quyết định bổ nhiệm. Thời điểm này công khai vẫn chưa muộn.

Người đã tích cực sửa sai và có thành tích tốt sẽ được dư luận ủng hộ trong công tác”, ông Trần Quốc Thuận cho hay.

Trên báo Pháp luật TP.HCM, ngày 23/6/2003 có đăng thông tin: Buổi giao ban chiều 16/6/2003 của trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Dầu Giây thuộc phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) đã được ghi âm toàn bộ. Theo đó, Trưởng trạm Dầu Giây, Đại úy Võ Đình Thường (nay là Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng PC67) và Phó trạm cùng có ý kiến chỉ đạo thuộc cấp "nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng" khi ăn tiền ôtô lưu thông và biện pháp đối phó báo chí là "đừng để bị gài máy ghi âm, chụp hình".

Ngày 19/6/ 2003, Công an Đồng Nai đình chỉ công tác 11 cán bộ chiến sĩ CSGT thuộc đội Tuần tra kiểm soát giao thông Dầu Giây và một thời gian sau đó đã thông báo kết quả xử lý sai phạm, tiêu cực đối với 11 cán bộ, chiến sĩ này.

Theo đó, cảnh cáo cấp ủy và tập thể ban chỉ huy đội tuần tra; cách chức Bí thư chi bộ, Đội trưởng đối với ông Võ Đình Thường và chức Đội phó đối với ông Trần Vũ Khanh; cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền đối với hai tổ trưởng tổ tuần tra; khiển trách về mặt Đảng và chính quyền đối với bảy CSGT còn lại.

Công an Đồng Nai còn quyết định điều chuyển 11 cán bộ chiến sĩ nêu trên ra khỏi lực lượng CSGT.

Sau khi bị kỷ luật, theo tờ Vietnamnet, ông Thường chuyển về công tác tại phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh Đồng Nai. Chỉ 1 năm sau, ông Thường được “xóa án” kỷ luật. Năm 2005, ông Thường được bổ nhiệm làm Đội trưởng đội Cảnh sát 113 thuộc đơn vị trên.

Năm 2010, ông Thường giữ chức Phó phòng CSĐT tội phạm về môi trường (PC49). Năm 2015 ông Thường là Phó phòng CSGT cho đến nay.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nen-cong-khai-thanh-tich-ong-vo-dinh-thuong-sau-khi-bi-ky-luat-a343422.html