Để đối thoại không thành… đối đầu

Được phân công phụ trách lĩnh vực nội chính của báo Tiền Phong tại TPHCM gần 20 năm, tôi có cơ hội tiếp xúc, làm việc, phỏng vấn lãnh đạo thành phố và các địa phương. Từ sự va vấp trong những lần đối thoại trực tiếp với lãnh đạo, tôi đã rút ra được không ít bài học đắt giá trong hành trang làm nghề báo.

Bị Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy “nhắc nhở”

Giữa những năm 2000, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ sai phạm đất đai tại Bình Dương liên quan đến Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu (Sobexco). Trong quá trình hoạt động, Sobexco được tỉnh Bình Dương giao quản lý 706 ha đất vườn điều tại xã An Tây (huyện Bến Cát). Năm 1997, Sobexco thanh lý 650 ha vườn điều, vay vốn để trồng cây cao su nhưng không hiệu quả. Được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý, Sobexco đã thanh lý 658 ha cây cao su. Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được bán cây (còn đất nhà nước cho thuê). Một số cán bộ của tỉnh, trong đó có cựu Giám đốc Sở Địa chính Cao Minh Huệ đã đưa người nhà đăng ký mua cây và sau đó cấp sổ đỏ hơn 78 ha đất. Diện tích đất vườn cây cao su thanh lý của Công ty Sobexco sau này nằm trong quy hoạch khu công nghiệp An Tây. Đáng lẽ nhà nước không phải mất tiền bồi thường đất nhưng do đã cấp "sổ đỏ" cho người mua cây nên đã gây thiệt hại cho ngân sách số tiền bồi thường khoảng 130 tỷ đồng.

Khu công nghiệp An Tây (Bến Cát, Bình Dương)

Thời điểm ấy, Tiền Phong, Lao Động và Nông nghiệp Việt Nam là ba tờ báo lên tiếng mạnh mẽ nhất. Trước áp lực của dư luận, tỉnh Bình Dương đã mời các phóng viên: Huy Thịnh (báo Tiền Phong), Cao Hùng (báo Lao Động) và Ngô Sơn (báo Nông nghiệp Việt Nam) xuống Bình Dương đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh.

Trước ngày diễn ra đối thoại, qua nhiều kênh thông tin, cả ba phóng viên nhận được không ít lời đe dọa. Bước vào phòng họp, tâm lý của cả ba phóng viên cực kỳ căng thẳng vì đối diện là các máy quay camera của lực lượng an ninh. Chủ trì buổi đối thoại hôm ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Sơn cùng lãnh đạo các phòng ban, cơ quan tham mưu. Sau khi đại diện UBND tỉnh trình bày lý do thực hiện quy hoạch khu công nghiệp An Tây, chúng tôi lần lượt đặt câu hỏi và được Chủ tịch UBND tỉnh trả lời. Tuy nhiên, khi hỏi đến pháp lý và nguồn gốc của khu đất quy hoạch thì ông Sơn lúng túng im lặng. Ngay lập tức, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Trần Thanh Liêm (sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) lên tiếng: "Tôi đề nghị không hỏi pháp lý của dự án. Tỉnh mời các anh xuống đây để đối thoại, tháo gỡ nút thắt chứ không phải xuống để chất vấn, gây áp lực".

Công nhân Công ty Công viên cây xanh TPHCM cắt tỉa nhánh tránh sự cố cây xanh đường phố gãy đổ vào mùa mưa bão

Buổi đối thoại kết thúc trong sự tiếc nuối. Nhiều câu hỏi chuẩn bị trước chưa được lãnh đạo tỉnh giải đáp.

Bị “đuổi” khỏi phòng họp...

Giữa năm 2013, TPHCM bùng lên vụ "lương khủng" trong khối các doanh nghiệp công ích như Công ty thoát nước đô thị, Công ty công viên cây xanh, Công ty chiếu sáng công cộng... Theo kết quả thanh tra của Sở Lao động Thương binh và xã hội thì thu nhập bình quân của lãnh đạo các công ty này trong hai năm 2011, 2012 từ gần 1 tỷ đồng đến 2,7 tỷ đồng/năm. Thu nhập của viên chức, cán bộ nhân viên trong biên chế cũng cao hơn nhiều lần so với mặt bằng chung của thành phố. Trong khi đó, rất nhiều nhân viên, công nhân dù đủ điều kiện ký hợp đồng lao động theo quy định nhưng chỉ được các công ty hợp đồng thời vụ, vừa không được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vừa không được hưởng chính sách tiền lương của đơn vị nên thu nhập rất thấp. Đích thân Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà yêu cầu lãnh đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm và chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm.

"Tỉnh mời các anh xuống đây để đối thoại, tháo gỡ nút thắt chứ không phải xuống để chất vấn, gây áp lực".

Ông Trần Thanh Liêm,

thời điểm ấy là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương

Trong các thành viên thường trực UBND TPHCM khóa ấy, ông Lê Mạnh Hà là người tôi thân thiết nhất. Tôi biết ông Hà từ lúc ông còn là Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh. Hồi ấy, bán đảo Thanh Đa, trong đó khu vực biệt thự Lý Hoàng (phường 27) thường xảy ra sạt lở. Chờ thành phố xây bờ kè quá lâu, trong khi đất trong khuôn viên ngày ngày bị trôi xuống sông, chủ biệt thự bèn cho người mua cừ tràm về gia cố tạm. Cứ mỗi lần gia cố, ông Lê Mạnh Hà lại cho "lính" xuống lập biên bản vì chưa có giấy phép xây dựng. Bức xúc, ông Lý Hoàng cầu cứu báo chí, trong đó có báo Tiền Phong…

Tôi là một trong số ít phóng viên may mắn được ông Lê Mạnh Hà ưu ái, tạo điều kiện tác nghiệp. Rất nhiều vụ việc "chấn động" lúc ấy như Đề án 112, Game Online, PCI, kể cả vụ lương "khủng" như đã nói ở trên, tôi được ông Hà trực tiếp cung cấp hoặc yêu cầu các phòng ban cung cấp tài liệu viết bài. Trở lại vụ lương "khủng", qua nghiên cứu tài liệu và trực tiếp làm việc với lãnh đạo một số công ty, tháng 8/2013, tôi thực hiện bài viết "Sếp công ích' nhận lương khủng: UBND TPHCM cũng liên đới trách nhiệm?". Bài viết chỉ ra một trong những nguyên nhân vụ "lương khủng" là do Sở Lao động Thương binh và xã hội chậm hướng dẫn các công ty thực hiện Quỹ Tiền lương kế hoạch năm 2012 và UBND TPHCM chậm chỉ đạo thực hiện mức lương tối thiểu làm cơ sở để tính đơn giá tiền lương theo sản phẩm khi Sở GTVT xin ý kiến.

Tình trạng ngập úng tại TPHCM vẫn còn nghiêm trọng nên việc lãnh đạo công ty thoát nước nhận được lương khủng trong 2 năm 2011, 2012 gây nhiều bức xúc

Sau khi bài đăng, báo Tiền Phong nhận được văn bản của UBND TPHCM mời đến trao đổi và cung cấp thông tin. Buổi gặp gỡ diễn ra vào chiều muộn do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà chủ trì. Ông Hà mời tôi và các nhà báo Mai Vọng (báo Thanh Niên), Trần Phan (báo Lao Động),... lên bàn đầu. Ông hỏi tôi: "UBND TPHCM chỉ đạo xử lý nghiêm vụ lương khủng, vì sao báo Tiền Phong lại nói "UBND TPHCM cũng liên đới trách nhiệm"?

Tôi trả lời: "Dạ thưa anh, em viết bài qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu và trao đổi với lãnh đạo một số đơn vị. Bài báo cũng chỉ đặt câu hỏi chứ không khẳng định là UBND TPHCM chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Nếu không đồng tình, thành phố có thể yêu cầu báo cải chính theo quy định ạ".

Ông Lê Mạnh Hà ngắt lời: "Tôi mời anh đến đây trao đổi để hiểu nhau. Anh nói như vậy thì tôi thấy không cần phải trao đổi nữa. Anh có thể ra về".

Quả thật, tôi sửng sốt và không biết xử lý tình huống này như thế nào. Ông Hà im lặng một lúc rồi lặp lại yêu cầu: "Mời anh về cho!".

Không còn cách nào khác, tôi nhanh chóng thu dọn và rời khỏi phòng họp sau khi lễ phép chào ông. Ra đến hành lang, tôi hít thở thật sâu để trấn tĩnh và cân nhắc nên làm gì...Trở về thì không có thông tin, không hoàn thành nhiệm vụ mà quay vào thì biết đâu lại bị đuổi ra? Tôi quyết định nhắn tin cho ông Lê Mạnh Hà xin phép vào ghi nhận thông tin và khi được ông trả lời "đồng ý", tôi quay lại phòng họp, ngồi ở dãy bàn cuối để tác nghiệp.

Sự việc tôi bị ông Lê Mạnh Hà mời ra ngoài gây không ít bàn tán trong giới làm báo. Cá nhân tôi thì trăn trở, không biết mình có sai không, sai ở đâu... để rút kinh nghiệm. Sau này, tôi nhận ra tuy mình không sai nhưng chưa khéo léo. Với người làm báo giỏi, đối thoại là để thu nhận thông tin càng nhiều càng tốt chứ không phải đối đầu, cãi lý để giành phần thắng.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-doi-thoai-khong-thanh-doi-dau-post1586997.tpo