Dè dặt chờ tín hiệu vĩ mô

(LĐ) - Phiên giao dịch đầu tiên của năm Tân Mão rất đẹp về điểm số, nhưng không thực sự chắc chắn về khối lượng. Thanh khoản tiếp tục đuối chứng tỏ nhà đầu tư (NĐT) tiếp tục thận trọng hơn khi nhiều yếu tố vĩ mô chưa rõ ràng.

VN-Index tăng mạnh Diễn biến tăng điểm của chỉ số chứng khoán được củng cố bởi sự trở lại ngoạn mục của BVH. Sau 4 phiên rơi sàn liên tục, CP vốn hóa lớn nhất sàn HSX đã được đẩy trần liên tục hai phiên. Ngày 8.2, BVH đã tăng lên mức 93.000đ/CP và rất có triển vọng vượt qua mức 100.000 đồng nếu “chạy” đủ T+4. Dĩ nhiên khả năng vượt đỉnh 106.000đ/CP của ngày 24.1 vẫn chưa chắc chắn, nhưng chí ít VN-Index được “hưởng lợi” rất nhiều. Cùng với BVH, khá nhiều CP vốn hóa lớn cũng tăng giá phiên này như HAG, DPM, PVD, PVF và đặc biệt là có sự góp sức của CTG, VCB. Nhìn chung các CP vốn hóa lớn có diễn biến giá khá tốt đã củng cố đà tăng của VN-Index, dù nhóm CP nhỏ và vừa không thực sự mạnh. Đóng cửa, chỉ số tăng 10,09 điểm, tương đương 1,97%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 13.12.2010. VN-Index vượt qua mức kháng cự 520 điểm tương đối dễ dàng. Khối lượng giảm Thông thường, phiên giao dịch đầu năm khá sôi động do nhà đầu tư hưng phấn sau kỳ nghỉ. Đồng thời diễn biến tích cực của chỉ số trước tết khiến kỳ vọng và một chu kỳ tăng tới đây là lớn. Tuy nhiên có lẽ VN-Index hiện tại đang đại diện cho một nhóm nhỏ CP lớn hơn là chỉ số giá của toàn thị trường. Đặc biệt thanh khoản thấp kéo dài suốt tháng 12.2010 đến nay khiến chu kỳ tăng điểm của chỉ số không thực sự chắc chắn. Khá nhiều CP đem lại tỉ suất lợi nhuận tốt là điều có thực, nhưng không phải số đông NĐT có thể lựa chọn danh mục một cách chính xác như vậy. Phiên giao dịch ngày 8.2 ghi nhận giá trị giao dịch khớp lệnh chung trên cả hai sàn giảm tới 31% so với phiên ngày 28.1, chỉ đạt 847,8 tỉ đồng. Trong đó, sàn Hà Nội ghi nhận giá trị thấp chưa từng có với xấp xỉ 181 tỉ đồng. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận, giá trị của HNX cũng chỉ đạt 279,9 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch luôn là yếu tố được quan tâm, nhằm “xác nhận” mức hợp lý của diễn biến giá. Giá tăng là điều rất tốt nhưng khối lượng thấp cho thấy không nhiều NĐT chấp nhận giải ngân mạnh. Ngoại trừ những trường hợp mất thanh khoản do không có người bán, khối lượng giao dịch yếu là biểu hiện của dòng tiền yếu và giá tăng nhờ hiện tượng tiết cung. Mặc dù VN-Index tăng khá tốt hai phiên vừa qua, nhưng đa số CTCK vẫn nhìn nhận nguyên nhân là do lực kéo từ một nhóm nhỏ CP lớn. Theo nhận định của CTCK VNDirect, NĐT có ý định giải ngân nên hướng đến các CP blue-chip. Biến động giá trên sàn Hà Nội vẫn rất nhỏ, lợi nhuận kỳ vọng mỏng, NĐT nên chờ đợi đến khi thị trường tăng cùng khối lượng giao dịch đột biến. Những nhận định như vậy xuất hiện khá phổ biến trong quan điểm của các CTCK, phản ánh sự cẩn trọng trong một bộ phận lớn NĐT. Các khuyến nghị đều hướng đến một tỉ lệ tiền mặt cao, mua trong phiên giảm điểm hơn là đua giá, cân nhắc chốt lời với một tỉ suất lợi nhuận nhỏ. Chiến thuật như vậy phù hợp với các diễn biến tích lũy đi ngang, hoặc sự chờ đợi tín hiệu tăng rõ ràng. Thực tế thanh khoản những ngày qua cho thấy chiến thuật trên được áp dụng nhiều. Nếu số đông đều lạc quan thì lực mua phải mạnh hơn vì NĐT sẵn sàng bỏ tiền vào cho một chu kỳ tăng sắp tới. Thanh khoản thấp tức là NĐT chỉ bỏ một phần nhỏ vốn vào thị trường hoặc thực hiện chiến lược mua tích lũy dần, lướt sóng hạn chế để đạt mức lời hạn chế nhưng rủi ro cũng thấp. Rất có thể thị trường đang chờ đợi một cú hích vĩ mô nào đó. Hiện tại, ít nhất hai vấn đề mà thị trường chưa tiên liệu được. Thứ nhất là chính sách tỉ giá sẽ diễn biến thế nào và mức lạm phát quý I/2011 có đáp ứng được mục tiêu hay không. Khả năng điều chỉnh tỉ giá vẫn đang treo lơ lửng và cơ hội giảm lãi suất phải nhìn vào lạm phát tháng 2 hoặc cả quý I. Chừng nào những tín hiệu để dự đoán chính sách chưa rõ ràng thì các dao động của thị trường vẫn còn và chưa hình thành một xu hướng tăng chắc chắn trên bình diện toàn thị trường. Hoàng Nguyên

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/de-dat-cho-tin-hieu-vi-mo/31723