Để con biết chia sẻ với cha mẹ

Trong thời buổi tất bật như hiện nay, cha mẹ và con cái ít có thời gian gần gũi, tâm sự đã khiến không ít bậc cha mẹ thường buột miệng than thở: “Con cái càng lớn càng thấy xa cách, chẳng biết chia sẻ với mẹ cha!”.

Ảnh minh họa

Hạnh là một học sinh giỏi trường chuyên, luôn chiếm vị trí hàng top trong lớp. Nếu ở trường, lớp em chan hòa với bạn bè thì về đến nhà lại rút vào phòng riêng, ít nói, chỉ trao đổi những gì thật cần thiết với cha mẹ. Tuy có cha mẹ đầy đủ nhưng gia đình Hạnh lúc nào cũng vắng vẻ. Cha bận lo làm ăn xa, mẹ là công chức nên thời gian sum họp gia đình rất ít. Mẹ Hạnh về đến nhà, thả cái túi lại lao vào bếp. Cơm nước xong con về phòng con, mẹ về phòng mẹ, chẳng ai có nhu cầu nói chuyện với ai. Nhiều lúc Hạnh cũng muốn vào phòng nằm tâm sự với mẹ nhưng thấy mẹ đang ngồi trước máy vi tính, lại thôi. Cứ thế đến khi Hạnh thi đậu đại học, đi học xa, rồi đi du học… Mối quan tâm chia sẻ với cha mẹ giờ đây chỉ qua viber khi cần thiết, Hạnh cũng không kết nối facebook với mẹ.
Chị Lan có sạp vải tương đối lớn ở chợ. Chồng chị là công chức nên điều kiện sống tương đối dễ dàng. Hai con chị Lan học rất giỏi, là niềm tự hào của hai vợ chồng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong lòng chị lại gợn lên một nỗi buồn mơ hồ khi thấy con cái ít quan tâm đến cha mẹ. “Khi các con còn nhỏ đã đành là mình ôm hết, nhưng giờ đây, đứa lớn đã tốt nghiệp đại học, đi làm rồi mà chưa bao giờ hỏi thăm lúc này mẹ buôn bán ra sao? Mình cứ như con chim mẹ mãi tha mồi, xù lông bảo vệ đàn con”.
Đó là những trường hợp gia đình có kinh tế khá, trường hợp con cái không biết chia sẻ với cha mẹ ở những gia đình khó khăn thì đáng buồn hơn. Anh Bảy, cả đời sống với chiếc xe xích lô, chị Bảy bán hàng xôi buổi sáng trước cổng trường. Anh chị chỉ có mỗi đứa con gái năm nay học lớp 11. “Tuy cháu không mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình nghèo nhưng cháu sống hơi ích kỷ, ít quan tâm đến nỗi lo lắng về tiền bạc với cha mẹ. Cháu cứ nghĩ, đã là cha mẹ thì phải nuôi con. May mà con bé học cũng được chứ nếu nó ham chơi đua đòi thì mình buồn lắm”, chị Bảy nói.
Gia đình hàng xóm mới dọn về gần nhà tôi có hai con học cùng cấp lớp với con tôi: một đang học lớp 10 và một đang học lớp 5. Tôi để ý, hàng ngày mỗi khi chị đi làm về, con gái út chị dù đang làm việc gì hay đang chơi đâu đó, đều chạy ra đón mẹ với câu chào: “Mẹ đi làm có vui không?”. Người mẹ cười thật tươi, dang tay ôm con gái, mắng yêu: “Đi làm mệt chứ vui gì, đi chơi mới vui chớ!”. Rồi hai mẹ con ríu rít vào nhà, rôm rả đủ chuyện.
Tôi hỏi: “Chị tập cho cháu hay tự cháu biết nói ra câu chào mẹ?”. Chị trả lời: “Hồi đó, gia đình tôi ở với bà ngoại, mỗi khi ông ngoại đi làm về, bà đều chào ông như vậy, cháu nghe riết nhập tâm và bắt chước”.
Tôi nghĩ đây là một cách giáo dục rất hay, câu chào hỏi sẽ làm cho bao mệt nhọc trong ngày của mẹ tan biến và, quan trọng hơn, đó là sự quan tâm, chia sẻ của con cái với những nhọc nhằn của mẹ cha.
Chính lối sống và cách giáo dục ít biểu lộ tình cảm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng khiến con cái ít biết chia sẻ với cha mẹ. Ở các nước tiên tiến phương Tây, phương pháp giáo dục của họ không chú trọng nhiều về lý thuyết khi giảng dạy trên lớp mà họ chú trọng đến quá trình làm việc theo nhóm với các bài tập tình huống. Đây là cách dạy và học tạo cho con người biết chia sẻ. Người hiểu ít sẽ có điều kiện học hỏi người khác để hiểu hơn, người hiểu biết nhiều sẽ có cơ hội thu thập và tổng hợp được những ý kiến khác từ các thành viên của nhóm mình. Và, điều dễ nhận thấy là ở các lớp làm việc theo nhóm, kết quả bài tập sẽ cao hơn, mức độ tiếp thu của học viên tốt hơn rất nhiều.
Dạy con biết cảm thông với cha mẹ là cả một quá trình dài và từ khi trẻ còn rất bé. Chính người lớn là tấm gương gần gũi nhất của trẻ. Nếu cha mẹ đối xử tình cảm với ông bà, họ hàng, biết cảm thông và chia sẻ với người xung quanh, thăm hỏi người ốm đau, làm việc từ thiện... Trẻ em sẽ bắt chước như một phản ứng tình cảm tự nhiên. Và, đơn giản thôi, nếu ngay từ rất nhỏ, con cái biết gần gũi, phụ giúp cha mẹ những việc lặt vặt, tức là chúng sẽ biết chia sẻ với cha mẹ khi lớn lên.

Kim Quy

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/de-con-biet-chia-se-voi-cha-me-611791.bld