Dễ chết vì "thần dược giải rượu"

Thời gian qua, các bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu do ngộ độc rượu và thuốc giải rượu. Lý do thật đơn giản, để không bị say, muốn thể hiện mình uống được nhiều rượu, nhiều người đã uống thuốc giải rượu trong mỗi cuộc nhậu.

Nhập viện vì “thuốc giải rượu” Anh Nguyễn Văn Hải ở Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi hay phải tiếp khách, một ngày uống ít nhất 1-2 trận rượu. Trận nào cũng phải ra trò và không được say. Cường độ uống như vậy, tôi không chịu được, một người bạn khuyên tôi dùng thuốc giải rượu. Uống trước khi đi nhậu và giữa cuộc nhậu thì uống tiếp, chất độc của rượu, lượng cồn trong rượu sẽ thải ra ngoài, không ngấm vào thành ruột nên không say. Tôi dùng nó coi đó như "thần dược", cứu cánh của mình. Nhưng không ngờ, tôi đã phải nhập viện vì ngộ độc thuốc giải rượu. Làm các xét nghiệm, bác sỹ phát hiện, chức năng gan của tôi bị hỏng nặng. Tôi phải tiêm 3 mũi thuốc liều cao, mỗi mũi gần 6 triệu đồng mới giữ được mạng sống. Ra viện, bác sỹ ghi trong y bạ: "Cấm rượu, cấm chất cồn vào cơ thể". Giống anh Hải, anh Lê Đức Minh (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) đã từng "trao thân" cho viên giải rượu. Anh Minh thừa nhận, trong khoảng 12 tháng đầu dùng thuốc giải rượu, anh "bách chiến, bách thắng" ở mọi cuộc nhậu. Nhưng sau đó anh thấy mặt nổi nốt, người ngứa ngáy sau mỗi cuộc nhậu. Cứ ngỡ là bị dị ứng thời tiết, anh Minh uống thuốc ngủ cho quên ngứa. Không ngờ, buổi nhậu và viên thuốc ngủ làm anh suýt mất mạng. Thấy anh Minh sùi bọt mép, vợ đã đưa đi cấp cứu kịp thời. Anh Minh bị ngộ độc thuốc giải rượu, chức năng gan thì gần như không còn tác dụng, dạ dày bị chảy máu liên tục. Một số loại thuốc mà các “bợm” rượu coi là “giải rượu” Bệnh nhân Nguyễn Văn Tám ở Ba Vì, Hà Nội (điều trị tại Bệnh viện Sơn Tây, Hà Nội) kể: Thấy bạn bảo có viên giải rượu, uống rượu vô tư không say, không độc. Thế là cả nhóm đều dùng trong những cuộc nhậu, nhất là những cuộc nhậu mang tính chất "đấu" không khoan nhượng với đối phương. Bệnh nhân Tám kể rằng: Ra hiệu thuốc, gặp loại thuốc giải rượu nào thì mua loại đó. Loại thuốc mà anh thường dùng gồm: RU-21, ME-21, Mewol-21, Tylenol. Uống một trong các loại đó mà vẫn đau đầu thì uống thêm Pamin, Decolgen, Aspirin hay Paracetamol... Ai có nhu cầu, đến bất kỳ hiệu thuốc, nhà thuốc nào hỏi mua viên giải rượu đều được đáp ứng một cách nhiệt tình, được hướng dẫn cách sử dụng miễn phí. Giá của viên giải rượu rất mềm. Chỉ với 15.000 đồng, bạn có trong tay 4 viên giải rượu hiệu RU 21. Còn Paracetamol, Pamin, Aspirin chỉ chưa đến 10.000 đồng, bạn đã sử dụng 1 vỉ 10 viên. Gần đây thuốc giải rượu có tên là Voskyo, Voskyo 3 được rao bán trên mạng với lời giới thiệu là hàng xách tay của Nga. Những người hay sử dụng cho biết, viên giải rượu của Nga là số một. Các loại khác đã được nhái nên giá mềm hơn lại càng thuận tiện cho việc lạm dụng nó để uống rượu. "Gom" độc vào gan Bác sỹ Nguyễn Văn Thái, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: Tôi đã từng cấp cứu cho nhiều bệnh nhân lạm dụng thuốc giải rượu, uống nhiều rượu dẫn đến ngộ độc rượu cấp, chảy máu dạ dày. Ngộ độc viên giải rượu cấp cứu rất phức tạp và khó khăn hơn những ca ngộ độc rượu thông thường. Những bệnh nhân đến cấp cứu ở đây có tiểu sử sử dụng viên giải rượu được liệt vào hạng "thâm niên". Tiến sỹ Phạm Duệ (ảnh bên) Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thì khẳng định: Không có loại thuốc nào gọi là thuốc giải rượu. Theo cơ chế thẩm thấu của rượu vào trong cơ thể thì 5 phút sau khi uống, chất ethanol trong rượu bắt đầu xâm nhập vào các mạch máu. 30 - 120 phút tiếp theo là khoảng thời gian ethanol tiếp tục lan truyền đến các bộ phận khác trong cơ thể. Và đây cũng là lúc chất cồn "ngấm" vào não. ở liều lượng cho phép, những chế phẩm như RU -21, ME-21, Mewol-21, Tylenol, Pamin, Decolgen… có thể giảm nhức đầu, sốt, đau nhức. Những loại thuốc trên làm cho ta dễ chịu và giữ lại lượng cồn, rượu trong ruột, tức là giữ chất độc lại trong cơ thể mà gan lại không thể lọc chất độc kịp. Hậu quả là gây tổn hại nghiêm trọng tới gan, gây xơ gan và ung thư gan. Tiến sỹ Phạm Duệ cảnh báo: Dùng thường xuyên, quá liều, các loại thuốc giải rượu sẽ dẫn tới tăng các men gan như AST, ALT, gamma-GT, làm giảm chất bảo vệ gan, làm tăng tổng hợp acid béo và triglyceride trong tế bào gan, làm gan nhiễm mỡ; hoại tử tế bào gan; viêm loét đường tiêu hóa và tử vong. Tiến sỹ Nguyễn Duy Thuần - Giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền giải thích: Các viên giải rượu có mặt trên thị trường hiện nay thực chất không phải thuốc mà là một dạng thực phẩm chức năng, thành phần chủ yếu là đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic và cácenzyme. Nó có tác dụng tạm thời, hạn chế chuyển hóa nhanh rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước. Rượu khi vào cơ thể sẽ xâm nhập các tế bào và chuyển hóa thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện say rượu, ngộ độc rượu. Các thành phần trong viên giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể do tác dụng của enzyn chuyển hóa Succinic acid, Fumaric acid, L-gluthamine. Ai uống nhiều rượu, các viên giải rượu tạm thời này sẽ không thể hóa giải hết lượng rượu, lượng cồn trong rượu nên người uống vẫn say xỉn và ngộ độc. Triệu chứng lâm sàng của ngộ độc là rối loại tiêu hóa, nổi ban đỏ trên da, giảm chức năng thận, giảm chức năng đào thải độc của gan. Xét về mặt tác dụng, chúng chỉ hỗ trợ dinh dưỡng chứ chưa có tài liệu nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan. Không có thuốc giúp phòng và triệt tiêu tác hại của rượu đối với gan và hệ thần kinh trung ương. Aspirin, Paracetamol là loại thuốc có ảnh hưởng rất xấu đến chức năng gan, khi phối hợp với rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa. Nếu nồng độ paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, chất độc sẽ tích lũy lại, gây hoại tử tế bào gan. Cơ thể chịu một lúc hai loại độc tố, tăng gánh nặng cho gan gấp nhiều lần. Đ.Thơm - T.Dương

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=6254&lang=vn&zone=22&zoneparent=0