Đề cao trách nhiệm học tập thường xuyên, học tập suốt đời của công dân

Thực hiện Đề án 'Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030' theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/7/2021, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai hiệu quả, phù hợp với thực tế, nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi công dân.

Học sinh lớp 10A Trường THPT Tạ Uyên (Yên Mô) trao dổi những kiến thức mới, khó với giáo viên chủ nhiệm.

Học sinh lớp 10A Trường THPT Tạ Uyên (Yên Mô) trao dổi những kiến thức mới, khó với giáo viên chủ nhiệm.

Với quan điểm chỉ đạo trong Đề án là tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến để nâng cao hiệu quả giáo dục. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân toàn cầu…

Do đó, việc học tập suốt đời để tiến bộ không ngừng, cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Em Bùi Nguyễn Mạnh Hùng, lớp 11A1, Trường THPT Ninh Bình-Bạc Liêu cho biết: Xác định nhiệm vụ học tập để lập thân, lập nghiệp, em đã luôn đặt mục tiêu cho mình luôn chủ động, nỗ lực nắm vững kiến thức các môn học, chú trọng tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật để đóng góp trí tuệ làm giàu cho quê hương, đất nước.

Từ kết quả em đạt được cùng bạn Đinh Phương Dung, lớp 11A4 với dự án "Nghiên cứu sử dụng nano berberine thay thế kháng sinh phòng, trị bệnh phân trắng trên tôm" đã đoạt giải nhì tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023, được khen thưởng từ Quỹ Khuyến học khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh lần thứ 13 năm 2023 và giải đặc biệt cuộc thi "Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ XIV (năm học 2022-2023). Đây sẽ là nền móng vững chắc cho em tiếp tục trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, học tập tốt hơn để đạt được kết quả tốt nhất.

Thực hiện mục tiêu của Đề án là tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập đảm bảo đến năm 2030 mọi người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đó, việc học tập suốt đời cả về chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, học kinh nghiệm và phương pháp làm việc. Phương pháp học tập suốt đời là học mọi lúc, mọi nơi, mọi người. Cô giáo Bùi Thị Tuyến, nhóm trưởng nhóm Toán - Tổ Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nho Quan cho biết: Nắm chắc đặc điểm đối tượng học viên Trung tâm, khi soạn bài giáo viên bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với học viên; đổi mới phương pháp từ đọc chép sang việc đưa các câu hỏi, tình huống để các em chủ động tham gia tìm tòi, phát huy kiến thức, rèn kỹ năng và phát triển phẩm chất làm việc nhóm, thuyết trình, chủ động chia sẻ kiến thức. Qua đó, nhằm tạo đột phá đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc, đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp. Đồng chí Đinh Trọng Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa cho biết: Trải qua nhiều vị trí công tác từ cán bộ thôn, Phó chủ nhiệm và Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch HĐND xã và từ năm 2013 đến nay là Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa phụ trách lĩnh vực kinh tế. Để đáp ứng yêu cầu công việc, bản thân tôi luôn xác định cán bộ, đảng viên cần thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đặc biệt, hiện nay công nghệ số và công nghệ thông tin phát triển, bản thân tôi luôn chủ động học tập từ đồng nghiệp, tích cực tham gia các lớp tập huấn của cấp trên tổ chức để xử lý nhanh, chính xác các văn bản trên môi trường điện tử.

Năm 2022, xã Gia Hòa được đánh giá là đơn vị dẫn đầu huyện về công tác cải cách hành chính. Đến tháng 9/2023, đã có 9/16 thôn đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu; phấn đấu cuối năm 2023 toàn xã có 16/16 thôn hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiết học môn Âm nhạc của học sinh Trường Tiểu học Ninh Giang (Hoa Lư).

Bên cạnh đó, học tập suốt đời được duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng, tạo phong trào học tập sôi nổi. Bà Đào Thị Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Ninh Bình cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời, Hội Khuyến học thành phố đã phát động phong trào thi đua với những nội dung, tiêu chí, giải pháp cụ thể gắn với kết luận, chỉ thị, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và các văn bản chỉ đạo của thành phố Ninh Bình, đặc biệt, thực hiện sự phát động của Thủ tướng Chính phủ về phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Ninh Bình đối với công tác khuyến học khuyến tài. Đưa nội dung xây dựng xã hội học tập vào kế hoạch hang năm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, coi đó là tiêu chí đánh giá phong trào thi đua. Thúc đẩy xây dựng các mô hình học tập suốt đời, mô hình công dân học tập, mô hình học tập kiểu mẫu. Hiện, thành phố Ninh Bình có trên 97% gia đình được công nhận gia đình học tập, trên 83% dòng họ học tập kiểu mẫu…

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các văn bản, kế hoạch chỉ đạo thực hiện trên địa bàn tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ lưỡng về bộ tiêu chí, quy trình, thủ tục đăng ký, đánh giá chấm điểm, xếp loại và công nhận các mô hình học tập.

Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh có 205 nghìn gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, chiếm 71%; có 1.518 dòng họ đạt dòng họ học tập, chiếm 63%; 1.403 cộng đồng đạt cộng đồng học tập, chiếm 86% và 547 đơn vị (thuộc cấp xã quản lý) đạt danh hiệu đơn vị học tập, chiếm 89%...

Năm 2023, toàn tỉnh có trên 247 nghìn gia đình đăng ký trở thành gia đình học tập, đạt 85%; trên 1.800 dòng họ đăng ký trở thành dòng họ học tập, đạt 74%; trên 1.600 cộng đồng đăng ký trở thành cộng đồng học tập, đạt 97%; có 97 đơn vị đăng ký trở thành đơn vị học tập, đạt 98%; có trên 335 nghìn công dân đăng ký trở thành công dân học tập, đạt trên 51%. Cuối năm 2023, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sẽ đánh giá, xếp loại và công nhận các mô hình học tập.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-cao-trach-nhiem-hoc-tap-thuong-xuyen-hoc-tap-suot-doi-cua/d20231027120640202.htm