ĐỂ CẠNH TRANH THÀNH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Theo chương trình Phiên họp thứ 14, ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đây là một trong những vấn đề mà người dân đặc biệt quan tâm.

Luật Cạnh tranh được ví như bản “Hiến pháp của nền kinh tế thị trường”, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN), đưa cạnh tranh trở thành động lực phát triển của toàn bộ nền kinh tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng.

Ảnh minh họa.

Luật Cạnh tranh của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 3-12-2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2005. Sau hơn 12 năm thi hành, Luật Canh tranh đã phát huy được một số tác dụng tích cực, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Luật Cạnh tranh hiện tại mới chỉ xem xét tập trung kinh tế theo chiều ngang, nghĩa là tập trung kinh tế giữa các DN trên thị trường liên quan cùng một cấp độ kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại những giao dịch tập trung kinh tế theo chiều dọc (giữa các DN hoạt động trên thị trường thuộc các cấp độ khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau. Ví dụ, giữa thị trường sản xuất và thị trường cung cấp nguyên liệu, giữa thị trường sản xuất và thị trường phân phối) và tập trung kinh tế dạng hỗn hợp (giữa các DN hoạt động trên các thị trường sản phẩm khác nhau và không có mối quan hệ theo chiều dọc)… Các quy định trong Luật Cạnh tranh hiện hành chưa tiếp cận được bản chất phản cạnh tranh của hành vi. Chẳng hạn, thỏa thuận ấn định mức giá sàn, giá trần; thỏa thuận tăng giá hoặc giảm giá (không chỉ ở mức cụ thể) hoặc thỏa thuận duy trì giá bán lại cho bên thứ ba… Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại nhiều văn bản luật khác nhau, được thực thi bởi các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền xử lý hoặc khả năng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan thực thi pháp luật hay dẫn đến những tranh cãi lớn trên bình diện xã hội do chạm đến những nhóm quyền lợi khác nhau.

Chính vì các lý do trên đây, ngay tại kỳ họp đầu tiên, các đại biểu của Quốc hội khóa XIV đã nhất trí đưa dự án Luật Cạnh tranh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương soạn thảo và dự thảo luật này cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các DN, các hiệp hội ngành nghề.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp luật thì dự thảo Luật Cạnh tranh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này vẫn còn có những vấn đề phải cân nhắc thận trọng. Bản chất của Luật Cạnh tranh là hướng tới các lợi ích công, là phương tiện giúp phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, từ đó mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt hơn và giá cả hợp lý. Vì thế, Luật Cạnh tranh cần trao quyền cho cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế, đồng thời quy định các tiêu chí để DN có thể tự xác định giao dịch có thuộc trường hợp phải thông báo hay không. Luật Cạnh tranh cũng phải tạo cơ sở pháp lý để giúp các DN có cơ hội bình đẳng cạnh tranh trên thị trường mà không tập trung vào mục tiêu bảo vệ một DN hoặc nhóm DN cụ thể nào trên thị trường. Cơ quan quản lý cạnh tranh chỉ nên bảo vệ các DN cụ thể khi việc bảo vệ các DN đó có tác động tích cực tới môi trường cạnh tranh.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, luật cạnh tranh là phương tiện được nhà nước sử dụng để điều chỉnh các quan hệ cạnh tranh trên thị trường trên cơ sở kết hợp tư duy pháp lý và tư duy kinh tế. Các quy định pháp lý về việc đánh giá sức mạnh thị trường hay kiểm soát tập trung kinh tế được xây dựng trên cơ sở các phương pháp phân tích, đánh giá về kinh tế. Quá trình xử lý các vụ việc cạnh tranh, bên cạnh những quy định pháp luật mang tính quy phạm, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng cần phải sử dụng các phân tích, đánh giá kinh tế phục vụ việc đánh giá vụ việc. Vì vậy, Luật Cạnh tranh cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý. Để làm được điều này, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có nền kinh tế phát triển cũng như có quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh lâu đời trên thế giới.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-canh-tranh-thanh-dong-luc-phat-trien-517703