Để các bộ trưởng không còn phải rơi lệ

“Tôi từng này tuổi rồi nhưng nói thật, vẫn có những vụ việc còn khiến tôi run người lên vì giận” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói trong một phiên họp báo Chính phủ. Và sau đó, khi các phóng viên hỏi quan điểm về vụ 3 cháu bé tử vong sau tiêm chủng ở Quảng Trị, ông đã xúc động, ứa lệ.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam trong vòng vây báo chí.

Có thể, ông giận dữ trước hành vi phi nhân tính của những người ''từ mẫu'' đáng lẽ phải là một biểu tượng của lương tri. Một phóng viên trực tiếp có mặt bấy giờ kể lại là, tất cả đã lặng đi khi chứng kiến sự xúc động trào dâng của bộ trưởng.

Đã có sự thay đổi rất lớn trong quan niệm về những giọt nước mắt xúc động của các chính trị gia nói chung.

Năm 1972, Thượng nghị sĩ Edmund Muskie đã “trượt vỏ chuối” trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ chỉ vì - điều ông thanh minh sau đó - “gạt tuyết rơi trên mặt”. Cử tri bấy giờ chê ông là yếu đuối.

Nhưng giờ đây, người ta có thể nhìn thấy ông John McCain khóc mỗi khi nhắc đến những người lính tử trận. Hay những giọt lệ vui mừng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hay những giọt nước mắt của Tổng thống Brazil Lula Da Silva.

Chính trị gia nào, bộ trưởng nào, thì trước hết là một con người bình thường, với cảm xúc như những người dân bình thường nhất. Đã rất xa rồi “bông tuyết lịch sử của Edmund Muskie”.

Đồng cảm với nỗi đau của dân chúng, xúc động khi lương tri xã hội bị xâm hại, nếu coi là “yếu đuối” thì nhân dân là người cần nhất sự “yếu đuối” đó; còn hơn phải ghi vào lòng sự “mạnh mẽ” đến vô cảm. Huống chi có những người, muốn cũng không phải dễ mà xúc động ứa lệ được.

Trước Quốc hội tuần này, Bộ trưởng Đam sẽ ra mắt dân chúng trong một cương vị mới, mà mỗi sự đồng cảm chia sẻ của ông sẽ giúp ích được nhiều hơn cho nhân dân đồng bào, nhất là những cử tri từng phải khóc trước mặt Bộ trưởng Y tế vì nỗi đau bị đối xử thô bạo, nhất là những thầy-cô giáo vẫn đang chờ đợi đến “năm hai ngàn mười” để có thể sống được bằng lương.

Việc đầu tiên khi ngồi ghế Chủ tịch Quảng Ninh là xúc tiến những cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với chính quyền các địa phương -kể cả các huyện đảo xôi - khi đối với ông “ứng dụng công nghệ thông tin rất đơn giản... Quan trọng là con người, con người có sợ hãi khi phải đối diện với công nghệ hay không”.

Việc đầu tiên khi ngồi ghế Chủ nhiệm VPCP là tổ chức chương trình ''Dân hỏi - bộ trưởng trả lời'' - bắc một cây cầu nối giữa người dân và các chính khách.

Có lần, ông Vũ Đức Đam không ngần ngại nói rằng nếu cho ông chọn việc, ông muốn được làm một chủ tịch huyện. “Tôi nghĩ rằng, chỉ một năm thôi, huyện của tôi sẽ là điểm đến yêu thích của mọi người”.

Người dân cần một “sao Khuê” không chỉ trong một lĩnh vực công nghệ thông tin và kỳ vọng rằng với những giọt nước mắt đồng cảm hôm nào, ở cương vị mới, ông sẽ làm được điều khó khăn nhất đối với một chính trị gia là khiến những người dân muôn đời thấp cổ bé họng sẽ không còn phải khóc nữa.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/quoc-hoi/de-cac-bo-truong-khong-con-phai-roi-le/147263.bld