Đê bê tông chịu được lực, an toàn khi mưa bão

Ngày 16/2, tại hội nghị công tác phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê sông Hồng mà chỉ kiến nghị thay kết cấu đê đất thành đê bê tông đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Với công nghệ hiện nay chúng ta làm đê bê tông hoàn toàn có thể chịu lực, an toàn khi mưa bão. Ảnh: TN

Hà Nội không hạ cốt đê sông Hồng

Hà Nội đang lập quy hoạch các tuyến đê, trong đó có đoạn đê sông Hồng chạy trên địa bàn TP dưới sự tài trợ vốn của các doanh nghiệp (DN).

Ông Chung đề nghị Bộ NN&PTNT cử nhóm phối hợp với Hà Nội ngay từ đầu để triển khai nhanh tốc độ vấn đề này; cũng như đẩy nhanh triển khai quy hoạch phân lũ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.

“Hiện có 825 ngàn người dân sống bên vùng bãi các con sông TP Hà Nội, không trường học, không trạm y tế, hệ thống điện không được xây, cuộc sống vô cùng bức bách. Nếu chúng ta quy hoạch nhanh, Hà Nội sẽ triển khai được việc xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội để phục vụ cho người dân ở đây”, người đứng đầu UBND TP Hà Nội nói.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nói rõ, Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê sông Hồng mà chỉ kiến nghị thay kết cấu đê đất thành đê bê tông đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Như thế, kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp và sẽ cân.

“Nếu chuyển đê đất sang đê bê tông, chúng ta mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m nữa. Khu vực từ khách sạn Thắng Lợi cho đến An Dương, chúng tôi đã xin ý kiến toàn bộ dân cư và họ đồng tình rất cao là khi làm con đường như vậy thì giao thông sẽ thuận lợi, lưu thông tốt hơn. Đặc biệt, người dân đi từ đê xuống 2 khu vực đê sẽ tốt hơn khi hạ được độ dốc”, ông Chung thông tin.

Cũng theo ông Chung, khu vực này, ở ngoài đê, người dân đã xây nhà kín dọc theo đê. Mặt đê bê tông này không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước khi nước nâng cao.

“Với công nghệ hiện nay chúng ta làm đê bê tông hoàn toàn có thể chịu lực, an toàn khi mưa bão. Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến để có thể triển khai dự án này”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cũng khẳng định lại, Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê chứ không phải hạ cốt đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều, xử được 162 vụ

Tại buổi làm việc, Hà Nội báo cáo, trên địa bàn TP, hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có chiều dài 231,246km từ đê cấp II đến cấp đặc biệt.

Tuy nhiên, trên hệ thống đê còn nhiều đoạn chưa bảo đảm mặt cắt, mặt đê chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông đi lại, một số đoạn còn tiềm ẩn những ẩn họa, trong khi các tuyến đê này là các tuyến đê cấp đặc biệt và cấp I.

Các tuyến kè bảo vệ bờ, còn 146,6km/265km chưa được gia cố, trong đó có 40km có nguy cơ sạt lở cao và 4km các tuyến kè cũ đã hư hỏng.

TP đề nghị Bộ NN&PTNT đầu tư kinh phí để nâng cấp hệ thống đê; thực hiện các dự án kè gia cố chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống.

Đánh giá cao công tác quản lý, nâng cấp đê điều của Hà Nội, nhưng ông Hoài chỉ ra, từ 2011 - 2016, ở Hà Nội có 1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều. Đến nay, TP mới giải quyết dứt điểm được 162 vụ, chưa đến 10%.

Đáng nói, tất cả vi phạm này, lực lượng chuyên trách của Sở NN&PTNT đã lập biên bản, gửi đến lãnh đạo quận, huyện, xã, phường nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, TP cũng đã có chương trình giải quyết dứt điểm các điểm vi phạm.

Lấy dẫn chứng vi phạm ở hạ du cầu Thăng Long khi người dân đã lấn dòng sông khoảng 200m, tiềm ẩn nguy cơ có thể gây vỡ đê đã được các vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTN, ông Hoài nói, "Các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm những sai phạm này".

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, dứt khoát lần này phải xử lý dứt điểm. Nếu TP không làm căn cơ thì cũng như “bắt cóc bỏ đĩa” thôi.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Môi trường là vấn đề đau đầu của Hà Nội

“Môi trường Hà Nội đã bị đe dọa rất lớn. Đây là thách thức lớn, là vấn đề đau đầu của Hà Nội”, Bí thư Hoàng Trung Hải nói. Ảnh: TN

Môi trường Hà Nội đã bị đe dọa rất lớn. Đây là thách thức lớn, là vấn đề đau đầu của Hà Nội. Trước hết là ô nhiễm không khí từ bụi, khí thải, đặc biệt là khí thải từ xe máy, ô tô. Năm nay, dự kiến trình HĐND ban hành quy định hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đẩy mạnh đưa các phương tiện giao thông công cộng vào hoạt động. 53 tuyến xe buýt công cộng phải đưa vào, rồi 8 tuyến BRT, 9 tuyến tàu điện ngầm và đường sắt đô thị. Riêng tuyến tàu điện ngầm chúng tôi tính là 38 tỷ USD, bây giờ chưa biết tiền ở đâu ra, nhưng nếu chúng ta không làm như vậy thì không thể khắc phục được những hạn chế đã nêu ra.

Ô nhiễm môi trường nước rất lớn, rất nặng. Trong khi, môi trường nước không chỉ ảnh hướng đến nước sinh hoạt mà ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp… Hiện cả nước có 10 - 12 dòng sông lớn. Kinh nghiệm điều hành, chúng ta không nắm tổng thể các dòng sông lớn, mà phân ra cho các địa phương thì nhất định là hỏng vì mỗi địa phương làm một kiểu, cuối cùng Bộ phải xuống làm lại. Đề nghị Bộ NN&MTNT chủ trì các dự án về tưới tiêu, chống lũ, phòng lũ, biến đổi khí hậu này và có chỉ đạo tập trung.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/xay-dung/de-be-tong-chiu-duoc-luc-an-toan-khi-mua-bao_t114c6n115202