Để bảo tồn, cần thực sự thấu hiểu di tích

TS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo di tích (DT) khi chưa nhận diện đầy đủ, chưa thực sự thấu hiểu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch về giá trị, kiến trúc, cảnh quan của DT những năm gần đây. Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, phóng viên Báo Hànôịmới có cuộc trao đổi với TS Lê Thành Vinh về vấn đề này.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những di tích được bảo tồn đúng cách và phát huy giá trị tích cực. Trong ảnh: Đông đảo du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: ANH TUẤN

- Ông có thể cho biết di tích nên được nhận diện như thế nào?

- Những năm gần đây, việc tu bổ, tôn tạo DT nói riêng, bảo tồn, phát huy giá trị DT nói chung nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các cơ quan chức năng và cộng đồng. Đây là một trong những điều kiện cần để hàng vạn DT trên phạm vi cả nước được bảo tồn, phát huy giá trị đúng hướng. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, khảo sát đối với nhiều DT, chúng tôi nhận thấy DT không chỉ là những công trình, địa điểm gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân nào đó, có niên đại lâu năm, có kiến trúc độc đáo…, mà còn hàm chứa các giá trị phi vật thể. Những giá trị phi vật thể không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy, cảm nhận bằng trực quan, nhưng trong rất nhiều trường hợp, nó là yếu tố quyết định sự tồn tại của DT. Chẳng hạn, hệ thống đình làng còn đến ngày nay là do văn hóa đình vẫn tồn tại. Nếu văn hóa đình đã bị đứt gãy, chắc chắn những ngôi đình làng sẽ dần mất đi. Qua đó, có thể thấy, những công trình DT là yếu tố vật chất tạo ra không gian để yếu tố phi vật thể tồn tại song hành.

Trong công tác tu bổ, tôn tạo DT hiện nay, nhiều người hiểu, nhìn nhận DT là di sản vật thể và tác động đến nó ở khía cạnh này, điều đó dễ dẫn đến những sai lệch không mong muốn. DT là di sản văn hóa, khi ứng xử với DT thì cần quan tâm đến cả yếu tố vật thể và phi vật thể.

- Theo ông, hiện nay, mức độ quan tâm, cách thức ứng xử đối với công tác tu bổ, tôn tạo DT nên được điều chỉnh như thế nào cho phù hợp?

- Trên thực tế, các quy định về tu bổ, tôn tạo DT hiện nay có một số nội dung bị đánh đồng với xây dựng cơ bản. Để tránh những hệ lụy không đáng có, theo tôi, nên coi tu bổ, tôn tạo DT là ngành nghề đặc thù và quản lý bằng cơ chế đặc thù.

Trước hết, từ đội ngũ cán bộ quản lý đến những người trực tiếp tiến hành tu bổ, tôn tạo DT cần được đào đạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyên môn về trùng tu DT. Hiện nay, chúng ta có nhiều trường đại học, nhiều ngành đào tạo nhưng lại chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về trùng tu DT, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Dù rất cố gắng, từ năm 2012 đến nay, Viện Bảo tồn DT mới phối hợp với các ngành, các địa phương mở được gần 20 lớp đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi DT cho gần 1.000 cán bộ. Hầu hết cán bộ qua đào tạo đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, nhưng so với nhu cầu thực tế, lực lượng đã qua đào tạo, có chuyên môn về trùng tu DT hiện nay chỉ như “muối bỏ biển”. Song song với việc quan tâm đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nhà nước nên có chính sách đặc thù dành cho những người làm công tác trùng tu DT bởi đây là ngành nghề khó, đòi hỏi phải có năng lực thực sự, có niềm đam mê nghề nghiệp và tình yêu di sản.

Đối với các dự án tu bổ, tôn tạo DT cụ thể thì khi lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công, các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ năng lực chuyên môn của đơn vị đó. DT xuống cấp cũng tương tự như người bị bệnh, cần phải được “điều trị”. Tìm được bác sĩ tốt, chữa đúng cách thì bệnh sẽ khỏi, sức khỏe của người bệnh tốt dần lên. Ngược lại, gặp phải bác sĩ chuyên môn kém, bệnh tình của người bệnh không những không được chữa khỏi mà còn có thể dẫn đến tử vong. Với cộng đồng, một số nơi thường có tâm lý muốn DT của quê hương mình được tu bổ càng nhanh, càng to, càng hoành tráng càng tốt. Như trên tôi đã nói, DT luôn bao hàm các giá trị phi vật thể nên trong quá trình thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu tận gốc vấn đề, tạo điều kiện cho họ chung tay giữ gìn những giá trị tốt đẹp của DT.

- Như ông đã biết, một số vụ việc xâm phạm DT thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân không gian DT không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Dù không muốn, một số tổ chức, cá nhân đã “vượt rào” khi tu bổ DT hoặc tự ý bổ sung một số hạng mục khi tiến hành tu bổ, tôn tạo. Ông nghĩ gì về thực trạng này?

- Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc đầu tư bảo tồn DT không phải là làm cho DT to lớn hơn, hoành tráng thêm. Đầu tư tu bổ, tôn tạo DT là vì mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của DT, nên cần phải giữ gìn các giá trị cấu thành DT. Mở rộng không gian DT là việc của quy hoạch, những người làm công tác bảo tồn, trùng tu DT không nên lẫn lộn giữa hai vấn đề này.

- Cảm ơn ông!

Hà Hiền thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/855855/de-bao-ton-can-thuc-su-thau-hieu-di-tich-