Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: Động lực giúp hội viên làm giàu

BẮC GIANG - Triển khai Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025' (gọi tắt là Đề án 939), các cấp hội trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Từ đó giúp hàng nghìn phụ nữ tự chủ kinh tế, làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Mạnh dạn đầu tư, tự tin khởi nghiệp

Bà Nguyễn Thị Dung Lan, Trưởng Ban Gia đình xã hội - Kinh tế (Hội Liên hiệp Phụ nữ - LHPN tỉnh) cho biết: "Đề án tập trung vào hoạt động sáng tạo trong kinh doanh, tạo dựng vị thế kinh tế cho phụ nữ trong xã hội. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành tổ chức cuộc thi lựa chọn, tìm kiếm ý tưởng kinh doanh. Qua đây khơi dậy tinh thần sáng tạo của phụ nữ, thu hút đông đảo chị em thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, ngành nghề tham gia”.

Thành viên Tổ liên kết trồng dứa của phụ nữ xã Bảo Sơn (Lục Nam) thu hoạch dứa.

Từ khi thực hiện đề án, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ hơn 1,9 nghìn trường hợp khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp (vượt 900 trường hợp so với kế hoạch đề ra trong cả giai đoạn 2017-2025). Trong đó, bảo lãnh cho 1,2 nghìn hội viên vay 69 tỷ đồng vốn ưu đãi; kết nối tiêu thụ hơn 1 nghìn sản phẩm; xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, nhãn hiệu hàng hóa cho 23 sản phẩm; thành lập 83 hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết do phụ nữ làm chủ.

Các hoạt động hỗ trợ giúp chị em vượt qua những rào cản về tâm lý cũng như trở ngại từ bên ngoài để phát huy tiềm năng của bản thân, vươn lên làm chủ cuộc sống. Điển hình như chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn Cầu, xã Minh Đức (Việt Yên). Trước đây, gia đình chị thuộc diện cận nghèo. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi hai con. Chị Hạnh được Hội LHPN tỉnh giới thiệu tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ sinh kế.

Có kiến thức cùng sự trợ giúp của các chị em, chị bắt đầu khởi nghiệp chỉ với vài chục con gà giống. Tuân thủ kỹ thuật chăn nuôi, chỉ sau 2 năm, đàn gà tăng lên hàng trăm con. Mong muốn mở rộng mô hình nhưng nguồn vốn hạn hẹp nên chị chưa thể thực hiện. Nắm bắt được nhu cầu đó, năm 2018, Hội LHPN xã bảo lãnh cho chị vay hơn 600 triệu đồng theo Đề án 939. Với số tiền này, chị Hạnh mở rộng diện tích chuồng trại, đầu tư chăn nuôi. Đến nay, chị có hơn 7 nghìn m2 mặt bằng, nuôi hơn 20 nghìn con gà/lứa. Mỗi năm, trang trại thu lãi từ 500-700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động nữ và khoảng 20 lao động thời vụ.

Bằng nhiều nguồn lực, các cấp hội đã kết nối các ý tưởng khởi nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Hưng ở xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) tạo việc làm cho 65 lao động nữ, thu nhập bình quân từ 4-7 triệu đồng/người/tháng; HTX Sâm nam núi Dành, xã Liên Chung (Tân Yên) tạo việc làm cho 30 phụ nữ với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng; HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng và khoảng 20 lao động thời vụ.

Trang bị kiến thức, mở rộng hỗ trợ

Xác định triển khai Đề án 939 là một trong những giải pháp thúc đẩy năng lực kinh tế của phụ nữ, Hội LHPN các cấp chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, phát triển kinh tế cho hội viên. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 196 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh, quản lý vốn cho hơn 9 nghìn lượt hội viên. Qua đó, chị em có thêm kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, nắm bắt xu hướng phát triển, có định hướng trong sản xuất, kinh doanh.

Xã viên HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (Tân Yên) giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp năm 2023 của phụ nữ Bắc Giang.

Chị Lã Hồng Phương, tổ trưởng Tổ phụ nữ liên kết nuôi cá ở tổ dân phố Tân Cương, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) cho biết: “Sau khi được tập huấn kiến thức kinh doanh, tôi đã khai thác lợi thế địa bàn gần lưu vực sông Cầu chăn nuôi thủy sản. Dưới sự hướng dẫn của Hội LHPN xã, chúng tôi thành lập mô hình tổ liên kết nuôi cá với 20 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích 10 ha”. Tham gia tổ, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho cá. Định kỳ hằng tháng, tổ họp trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những sáng kiến, giải pháp hay, hiệu quả phù hợp với từng ao nuôi để nâng giá trị kinh tế. Nhờ đó, năng suất tại các hộ ổn định với mức lợi nhuận từ vài chục triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm.

Để tạo thuận lợi cho các mô hình phát triển sau khởi nghiệp, Hội LHPN các cấp hướng dẫn hội viên về thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thành lập HTX và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ hơn 310 hội viên khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Trong đó, hỗ trợ vốn cho 200 hội viên, hỗ trợ sinh kế cho 291 trường hợp với tổng giá trị hơn 17 tỷ đồng.

Tháng 6 vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã đưa một số sản phẩm OCOP chủ lực của phụ nữ tỉnh tham gia gian hàng trưng bày tại "Chợ quê an toàn" ở Hải Phòng gồm: Bún khô Đa Mai (TP Bắc Giang); mỳ Chũ, vải thiều (Lục Ngạn); bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà (Việt Yên)... Đây là chương trình do Hội LHPN Việt Nam tổ chức với sự tham gia của 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, giúp quảng bá sản phẩm, mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn giữa phụ nữ Bắc Giang với các tỉnh, thành phố.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả Đề án, giai đoạn 2022- 2025, các cấp hội trong tỉnh phấn đấu bồi dưỡng, đào tạo nghề cho khoảng 10 nghìn lao động nữ; 100% doanh nghiệp của phụ nữ thành lập mới được tư vấn hỗ trợ phát triển; hỗ trợ 480 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thành lập 10 tổ hợp tác, HTX do phụ nữ quản lý. Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo hội phụ nữ các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các mô hình kinh tế. Đồng thời phối hợp với chính quyền cơ sở lựa chọn địa điểm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để định hướng, thành lập mô hình, tổ hợp tác, HTX kiểu mới có hiệu quả.

Theo đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nhằm khuyến khích hội viên mạnh dạn phát triển kinh tế, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục triển khai Đề án 939 gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Hội LHPN tỉnh thành lập các mô hình HTX, tổ liên kết, kinh doanh cá thể nhằm thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh. Trong đó, thúc đẩy các mô hình liên kết chuỗi từ ý tưởng sản xuất đến đầu ra và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của phụ nữ.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/409888/de-an-ho-tro-phu-nu-khoi-nghiep-dong-luc-giup-hoi-vien-lam-giau.html