Để ai cũng có Tết

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến rất gần. Những ngày này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các địa phương, đơn vị trong cả nước đang dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo Tết cho người lao động, người nghèo và các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Ngày 26/1, Đồn Biên phòng Vĩnh Châu, BĐBP Sóc Trăng phối hợp với UBND phường 1, phường 2, phường Vĩnh Phước (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) và Công ty TNHH Ga Xy tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng về người nghèo. Trong ảnh: Lãnh đạo BĐBP Sóc Trăng và UBND phường 1, thị xã Vĩnh Châu trao tặng quà tết cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Văn Long

Trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là quyết tâm của Việt Nam. Bên cạnh thực hiện nhiều các nhiệm vụ trọng tâm, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống người dân, nhất là những người nghèo, đối tượng yếu thế với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mục tiêu này đang được hiện thực hóa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và thu được nhiều kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao cả về thành tựu và cách thức tiếp cận, giải quyết vấn đề nghèo đói. Theo báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022).

Tuy nhiên, xã hội càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn, rõ hơn, vì thế, việc thoát nghèo lại trở nên khó khăn hơn. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%. Hơn nữa, những biến cố, thiên tai sẽ cuốn đi bao thành quả của công cuộc giảm nghèo, những người khó khăn càng khó khăn hơn, những hộ thoát nghèo lại đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Nhưng cũng từ trong gian khó ấy, những tấm lòng nhân ái, những nghị lực phi thường chính là động lực để cộng đồng cùng nhau khơi dậy tinh thần chung tay vì người nghèo. Các phong trào như: “Cả nước chung tay vì người nghèo”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”... được triển khai liên tục, rộng khắp trong nhiều năm qua đã góp phần chăm lo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán không những được xem là nét văn hóa truyền thống, mà còn là dịp để phát huy tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc.

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những chương trình như “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”, “Tết không xa nhà”,“Tết vì người nghèo”... đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai trên địa bàn cả nước, nhằm chăm lo về vật chất lẫn tinh thần cho những gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo để mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Đơn cử, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các ngành chức năng đã dành trên 17,7 tỷ đồng để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo, hộ gia đình nghèo thuộc vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đồng bào địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm...

Thành phố Hồ Chí Minh chi từ nguồn ngân sách hơn 915 tỷ đồng để chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội. Chương trình “Tết Vì người nghèo - Xuân Giáp Thìn 2024” tại tỉnh Nghệ An hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo gần 141 tỷ đồng. Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2024 của Bộ Tư lệnh BĐBP vận động được kinh phí và quà tặng trị giá gần 40 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển, đảo...

Từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng đồng bằng đến miền núi, hải đảo, nhiều hộ nghèo đã nhận được những món quà Tết đầy ý nghĩa, thiết thực, không chỉ thể hiện tinh thần tương thân, tương ái - truyền thống quý báu bao đời nay của người Việt Nam, mà còn khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đó là bảo đảm quyền thụ hưởng những thành tựu của sự phát triển cho tất cả mọi người.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-ai-cung-co-tet-post472158.html