ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: VIỆC TRỐN ĐÓNG BHXH NÊN ĐƯỢC XÂY DỰNG THÀNH QUY ĐỊNH TỘI PHẠM MỚI BỔ SUNG TRONG LUẬT HÌNH SỰ

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, đối với trốn đóng bảo hiểm xã hội nên xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung trong Luật Hình sự (như tội trốn thuế) và có chế tài hình sự riêng. Như vậy, mới xử lý đúng, trúng và nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm đóng trong trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV là tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 tới.

Các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV.

Đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), TS.Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý.

Đưa đối tượng bảo trợ xã hội là Hưu trí xã hội là đối tượng điều chỉnh làm Luật BHXH thêm “cng kềnh”

Đại biểu Trần Văn Khải đánh giá cao sự cẩn trọng, tích cực và cầu thị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã cơ bản tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, ý kiến chỉ đạo, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật có tính khả thi cao hơn, đại biểu Trần Văn Khải đóng góp thêm một số ý kiến sau:

Thứ nhất, nội dung quy định tại Điều 21, về việc đưa vấn đề hưu trí xã hội vào luật sửa đổi lần này: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội nhất trí việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội vào Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này nhưng đại biểu Trần Văn Khải vẫn băn khoan vì môt số điểm sau:

- Hệ thống an sinh xã hội hiện nay gồm: Một là bảo hiểm xã hội. Hai là bảo trợ xã hội (Trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội). Ba là ưu đãi xã hội. Ba lĩnh vực này được điều chỉnh bằng chính sách pháp luật theo nguyên tắc rất khác biệt, cụ thể:

- Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc Đóng – Hưởng; nguồn quỹ cơ bản là do đóng góp của người tham gia bảo hiểm xã hội.

- Bảo trợ xã hội, người thụ hưởng chủ yếu là người bị lâm vào cảnh rủi ro, nghèo khó không có khả năng lao động... vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguồn quỹ bảo trợ xã hội là từ ngân sách Nhà nước và huy động từ cộng đồng.

- Ưu đãi xã hội, đối tượng thụ hưởng là người có công với đất nước, nguồn quỹ chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Như vậy, đối tượng điều chỉnh, phương pháp điểu chỉnh, nguồn lực điều chỉnh ba nhóm chính sách trên rất khác nhau. Ranh giới rất rõ ràng:

- Bảo hiểm xã hội thì đã có Luật;

- Ưu đãi xã hội (người có công) đã có Pháp lệnh;

- Bảo trợ xã hội đang có những nghị định điều chỉnh, cần thiết sớm xây dựng thành luật.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Việc đưa một nhóm đối tượng bảo trợ xã hội làm đối tượng điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về kỹ thuật lập pháp không rõ ràng khi nội dung và phạm vi điều chỉnh chồng lấn lên lĩnh vực bảo hiểm khác nhau; có tính chất nguồn lực rất khác nhau...

Về nội dung chính sách bảo trợ xã hội nói chung và (hưu trí xã hội) cần có đạo luật riêng để điểu chỉnh. Nhất là chính sách này cần phát huy các nguồn lực Nhà nước và xã hội. Vì vậy, việc Ban soạn thảo đưa đối tượng bảo trợ xã hội là Hưu trí xã hội là đối tượng điều chỉnh làm Luật Bảo hiểm xã hội thêm “cồng kềnh”, thiếu tính ổn định, rành mạch; sẽ khó khăn mỗi lần sửa đổi, bổ sung chính sách bảo trợ xã hội như về hạ độ tuổi “hưu trí xã hội”, mở rộng đối tượng, xác định điều kiện … lại tác động đến đạo luật Bảo hiểm xã hội đã tương đối ổn định.

Mỗi khi chúng ta cần điều chỉnh chính sách bảo trợ xã hội thì lại mang chính sách bảo hiểm xã hội ra soi rọi. Trong khi chế độ trợ cấp hưu trí xã hội hiện nay đã có trong chính sách Bảo trợ xã hội: Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp thường xuyên khác thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội 360 nghìn đồng/tháng. Những gì chưa hợp lý về độ tuổi hưởng hay mức hưởng có thể dễ dàng điều chỉnh ngay trong các văn bản này.

Xem xét kỹ cả hộ kinh doanh mà không có đăng ký kinh doanh vào diện bắt buộc tham gia BHXH với điều kiện cụ thể

Thứ hai, nội dung quy định tại Điều 30 về Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện: Căn cứ xác định mức đóng bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. (Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

Tại Điều 3 của dự thảo Luật đã bổ sung 5 loại đối tượng, trong đó 2 loại đối tượng đầu là chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khoảng 2 triệu hộ) và người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý, điều hành hợp tác xã, bổ sung 2 loại đối tượng này vào diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội là hợp lý, có tính khả thi.

Các đại biểu tham dự Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV.

Tuy nhiên, cần xem xét kỹ cả hộ kinh doanh mà không có đăng ký kinh doanh vào diện bắt buộc với điều kiện cụ thể. Vì trong số hộ này, nhiều người còn có thu nhập lớn hơn nhiều những hộ có đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, thực tiễn có người lao động theo thời vụ, theo hợp đồng, theo khoán công việc thu nhập cao nếu tính bình quân hàng tháng, hay hàng năm cũng vượt mức chung, thì đối tượng này cần đưa vào diện bảo hiểm xã hội bắt buộc là hợp lý.

Về 3 loại đối tượng: người làm việc không trọn thời gian; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không giao kết hợp đồng hoặc thỏa thuận thì cần xem xét kỹ lưỡng... Theo đại biểu Trần Văn Khải, có thể đưa vào diện bắt buộc đóng bảo hiểm nhưng theo mức như “tự nguyện”.

Căn cứ xác định tiền lương đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài Nhà nước phải tạo điều kiện đóng được thuận lợi

Về quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực ngoài Nhà nước bao gồm: mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Đây là quy định rất tiến bộ trong việc xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, đặc biệt dự thảo Luật đã bổ sung yếu tố “thường xuyên và ổn định” làm căn cứ xác định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, yếu tố “thường xuyên và ổn định” đối với khu vực ngoài Nhà nước cần hiểu theo cách rộng mở để tạo điều kiện đóng bảo hiểm xã hội thuận lợi vì có nhiều trường hợp chuyển việc, nghỉ việc không tính được thu nhập thường xuyên nhưng khả năng tài chính có thể đóng một lần, từng lần... để đảm bảo sự liên tục trong đóng bảo hiểm cũng cần đưa vào diện bắt buộc và tạo điều kiện để họ tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với trốn đóng bảo hiểm nên được xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung trong Luật Hình sự

Thứ ba, nội dung quy định tại Điều 36 và Điều 37, về hành vi trốn đóng, chậm đóng và xử lý vi phạm: Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo: Điều 36 dự thảo Luật đã phân định rõ 02 hành vi là chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, tại Điều 37 dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đóng chậm hay trốn đóng thì đều xử lý vi phạm như nhau. Đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu sẽ được xem là trốn đóng bảo hiểm xã hội. Cách xử lý như vậy chưa phù hợp với thực tiễn và thêm phần rắc rối khi phân biệt khái niệm “Chậm- trốn” cũng như chế tài cho vi phạm “Chậm” vi phạm “trốn”.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, không cần phân biệt thế nào là chậm đóng bảo hiểm? Thế nào là trốn đóng bảo hiểm. Mà chỉ cần quy định khái niệm chậm đóng bảo hiểm? Chậm lần 1 là bao lâu? Chậm lần 2 là bao lâu? Chậm lần 3 là bao lâu? Chậm lần… bao lâu. Đồng thời quy định chế tài hành chính, kinh tế… để xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội theo từng lần. Đối với trốn đóng bảo hiểm nên được xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung trong Luật Hình sự (như tội trốn thuế) và có chế tài hình sự riêng. Như vậy, mới xử lý đúng, trúng và nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm đóng trong trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85721