ĐBQH Trần Du Lịch: “Hạnh phúc nhất là khi kiến nghị của mình đi vào cuộc sống"

ĐBQH Trần Du Lịch (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. HCM) đã có những chia sẻ với PV báo ĐS&PL bên hành lang Quốc hội.

“Phải xác định anh là đại biểu của dân, là tiếng nói của dân nên tuyệt đối không được suy nghĩ hay có hành động vụ lợi cá nhân. Trong những bài phát biểu hay nêu ý kiến ở nghị trường không nên lo sợ sẽ mất lòng ông nọ, ông kia. Đối với một ĐBQH, việc được cử tri tín nhiệm là điều hạnh phúc và đáng tự hào nhất”, ĐBQH Trần Du Lịch bộc bạch.

Xúc động rơi nước mắt vì được cử tri mến mộ!

Ông nổi tiếng với những chất vấn thẳng thắn, đúng, trúng trên nghị trường, được cử tri đồng tình ủng hộ. Để có những lời phát biểu thẳng thắn được xem là “động chạm” đến nhiều ngành như vậy có khó không, thưa ông?

Việc mình nói đúng, nói trúng thì không quan trọng là động chạm đến ngành này, ngành kia. Theo tôi, việc phát biểu thẳng thắn là nghĩa vụ, trách nhiệm của một ĐBQH. Kinh nghiệm bản thân là người tham gia 3 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa IX, XII, XIII), tôi cho rằng, là một đại biểu trước hết phải khẳng định được mình là tiếng nói của dân, đại diện cho người dân đưa ý kiến vào nghị trường. Phải biết người dân đang quan tâm những vấn đề gì của đất nước.

Những vấn đề đó mình phải nhiệt tình phản ánh đầy đủ ở nghị trường, với các cơ quan của Quốc hội. Làm được như vậy đòi hỏi ĐBQH phải biết lắng nghe và không ngại động chạm. Nếu đã xác định là đại biểu của dân thì tuyệt đối không được có ý nghĩ, hành động gì để thỏa mãn lợi ích cá nhân. Không được phép lo sợ bài phát biểu của mình gây mất lòng ông nọ, ông kia.

Có lẽ, trong 3 khóa hoạt động Quốc hội của tôi, cái đọng lại nhiều nhất là những vấn đề lớn được tôi đặt ra và gửi nhiều kiến nghị đến các cơ quan chức năng để yêu cầu họ đưa ra giải pháp. Còn cái chuyện kiến nghị được chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Đặc biệt, chúng ta nên nhớ rằng, nghị trường bao giờ cũng kết luận theo đa số. Một kiến nghị mình cho là hay, một đại biểu khác cũng cho là hợp lý nhưng sau khi bàn bạc, đa số đại biểu không tán thành thì kiến nghị ấy chắc chắn sẽ không được thông qua.

ĐBQH Trần Du Lịch (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. HCM)

Ông là đại biểu của TP.HCM nhưng cử tri của Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam... và nhiều địa phương khác đều rất yêu quý, tin tưởng và ủng hộ. Ông có cảm thấy tự hào vì điều đó?

Đây là điều tôi không những tự hào mà còn cảm thấy vô cùng hạnh phúc! Tôi nhớ mãi lần ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Khi tôi xuống tàu thì có người dân đảo Lý Sơn chạy theo và nói: “ĐBQH Trần Du Lịch, bà con ơi”. Lúc đó, tôi xúc động đến rơi nước mắt.

Đối với tôi, việc được người dân, cử tri quý trọng mình đó là điều hạnh phúc nhất của một ĐBQH. Hay như lần tôi về một vùng nông thôn. Khi đi qua một đám đông, nhiều người thấy tôi chạy ra và hỏi: “Có phải đại biểu Trần Du Lịch không. Sao ông lại dân dã thế?”.

Nghe những câu nói đó, tôi rất vui. Có lẽ, vì người dân tín nhiệm tôi nên những vấn đề dân bức xúc ở các địa phương trên cả nước, họ đều gửi đơn thư cho tôi. Đoàn TP.HCM hằng năm đều nhận khoảng trên dưới 2.000 đơn thư.

Nhiều cán bộ hưu trí tâm huyết với đất nước cũng gửi thư để bày tỏ nỗi niềm của mình. Và cũng không ít người gửi thư tâm sự với tôi. Họ tin rằng, gửi thư cho tôi thì tôi sẽ đọc và sẽ phản ánh ý của họ xây dựng Quốc hội, xây dựng đất nước. Nhận những lá thư đó, tôi rất trân trọng.

“Sẵn sàng giúp đỡ người dân ngay cả khi không còn là ĐBQH”

Được yêu mến như vậy, ông có cảm thấy mình bị áp lực không?

Đúng là từ khi đảm nhận công việc của một ĐBQH, tôi luôn luôn bị áp lực. Áp lực ở đây là điều cử tri muốn ở mình quá nhiều nhưng không phải cái gì mình cũng làm được. Nhất là những vấn đề khiếu nại, khiếu kiện.

Người ta đều nghĩ rằng, nhờ ông Lịch thì sẽ bảo vệ được quyền lợi cho họ nhưng thực tế không phải cái gì tôi cũng làm được. Áp lực nữa là ở nghị trường, mọi vấn đề đều quyết theo đa số nên có những điều mình nghĩ rằng nên làm nhưng mình vẫn là thiểu số.

Tôi ví dụ, khi làm luật Ngân sách Nhà nước, tôi cho rằng luật này không đạt yêu cầu. Bởi, cơ quan soạn thảo phải tách bạch, giải quyết được tận gốc vấn đề ngân sách lồng ghép giữa Trung ương và địa phương để hạn chế xin - cho.

Tuy nhiên, khi thông qua luật này, mình phải chấp nhận theo đa số. Tới bây giờ, chuẩn bị nghỉ công việc của một ĐBQH tôi vẫn còn băn khoăn.

Sau này, khi không làm ĐBQH nữa, nếu có cử tri muốn nhờ ông phản ánh nguyện vọng lên nghị trường Quốc hội, ông sẽ vẫn nhiệt tình giúp đỡ?

Nếu người dân phản ánh đúng luật, tôi sẽ nhờ các ĐBQH khác hoặc các mối quan hệ của mình để đưa ra câu trả lời cho người dân. Nếu giúp được dân thì tôi sẵn sàng giúp thôi. Thuận lợi của tôi là môt luật sư, thành ra, khi nghiên cứu đơn thư của dân, mình có kiến thức về luật và có phân tích, tư vấn cho họ rõ ràng.

Thực sự, một số tỉ lệ không nhỏ đơn thư của người dân đến tôi khiếu nại không đúng và tôi cũng đã có phản hồi lại với họ.

Với kinh nghiệm làm ĐBQH nhiều năm, ông có thể cho biết như thế nào thì được xem là một đại biểu có “tầm”?

Thực sự tôi không thể nói đại biểu thế nào là có tầm hay không xứng tầm. Tôi nói rằng, để làm ĐBQH đòi hỏi mọi đại biểu phải phấn đấu, phải trau dồi kiến thức và học hỏi rất nhiều từ người dân, các đại biểu khác.

Đặc biệt, đối với những đại biểu chuyên trách, những đại biểu mà người dân đóng thuế nuôi mình, họ phải ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ đang mang trên vai.

Vậy đâu là điều hạnh phúc nhất ông nhận được khi làm ĐBQH?

Điều hạnh phúc nhất của tôi là những tiếng nói của cử tri, kiến nghị của người dân được Quốc hội chấp nhận và đi vào cuộc sống.

Tôi thấy rằng không có gì đánh đổi được niềm hạnh phúc đó. Cụ thể, như trong luật Thuế gần đây, tôi đề nghị phạt những người không nộp thuế 0,03% thôi và được đồng ý. Hay trước đây, nhiều ý kiến của tôi đã được cụ thể hóa trong các loại thuế VAT, thuế doanh nghiệp.... Mỗi lần như vậy, tôi rất hạnh phúc. Khi tôi phát biểu về một vấn đề nào đó mà được cả hội trường ủng hộ vỗ tay, tôi cảm thấy rất vui và tự hào.

Xin cảm ơn ông!

Tin rằng Chính phủ mới sẽ làm được như cam kết

Nói về những kỳ vọng vào bộ máy lãnh đạo đất nước mới, ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng: “Về nhân sự cụ thể, tôi thấy rằng những vị lãnh đạo mới đều có năng lực thực sự. Tôi rất tin ở họ. Đặc biệt lần này, một việc rất quan trọng đó là các chức danh cao nhất tuyên thệ. Lời tuyên thệ của các vị tại nghị trường Quốc hội là cơ sở để Quốc hội và cử tri giám sát. Riêng yếu tố đó đã “trói buộc” những người được giao trọng trách phải đổi mới và làm việc hiệu quả hơn”. Nói về các nhân sự mới trong Chính phủ, ĐBQH Trần Du Lịch nhấn mạnh, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ và phát biểu trước Quốc hội, Chính phủ sẽ đoàn kết, cầu thị, biết lắng nghe, tâm huyết, nhiệt tình. Với những điều đó, tôi cho rằng Chính phủ sẽ điều hành tốt trong nhiệm kỳ sắp tới và có thể vượt qua được như lời cam kết trước Quốc hội”.

TRINH PHÚC (thực hiện)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/hanh-phuc-nhat-la-khi-kien-nghi-cua-minh-di-vao-cuoc-song-a141300.html