ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN TẬP TRUNG CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG GẮN VỚI SẮP XẾP, TINH GIẢN TỔ CHỨC BỘ MÁY

Chính sách tăng lương cơ sở cho 9 nhóm đối tượng bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2023. Theo Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, điều này mang lại sự động viên cần thiết cho người lao động, tuy nhiên về lâu dài, cần tập trung vào cải cách tiền lương cùng với sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng. Cụ thể, người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Nghị định này bao gồm: cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019); viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019); người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, còn có đối tượng là người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP); sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sỹ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Không thể cứ thỉnh thoảng lại “tăng lương”

Phóng viên: Từ tháng 7/2023, theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ, có 9 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, cứ mỗi lần tăng lương là từ bát phở, đến giá cước vận tải, taxi…cái gì cũng tăng theo. Bà có suy nghĩ thế nào?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Đáng lẽ chúng ta phải tăng lương cơ sở sớm hơn, nhưng vì 2 năm dịch bệnh hoành hành, nên việc điều chỉnh này phải chậm lại. Hệ quả việc điều chỉnh này cũng làm giảm động lực, sự cống hiến tận tâm của người lao động, cá biệt có một số lĩnh vực không chịu được, phải nghỉ việc, chuyển ra ngoài khu vực công. Tôi cho rằng việc tăng lương cơ sở lần này rất có ý nghĩa và cần thiết, nhất là sau thời gian hơn 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19. Đây là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước tới nay. Sau nhiều năm chờ đợi và những khó khăn do dịch covid-19 mang lại, việc tăng lương cơ sở lần này không chỉ giúp cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ công chức viên chức, mà còn mang lại niềm vui, động lực lớn cho cả người lao động, góp phần kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch Covid-19.

Thế nhưng, không phải tất cả người lao động trong khu vực Nhà nước đều vui mừng với việc tăng lương. Khi điều chỉnh lương cơ sở, không ít người mừng ít lo nhiều, vì tăng lương thường đi kèm lạm phát, giá cả “té nước theo mưa”. Thực tế lương chưa kịp tăng thì đã có một số mặt hàng đã tăng giá nhẹ rồi; một số mặt hàng khác thì cũng đang rục rịch tăng giá. Làm thế nào để tăng lương cơ sở nhưng giá cả của các mặt hàng không tăng, để việc tăng lương cho người lao động có ý nghĩa thực sự là một vấn đề đang đặt ra. Đương nhiên khi điều chỉnh chính sách tiền lương, người hưởng lương sẽ mừng lắm, nhưng đúng là nếu giá cả mọi thứ sinh hoạt tăng cao hơn thì việc tăng tiền lương sẽ trở nên vô nghĩa.

Chúng ta đã trải qua rất nhiều lần tăng lương cho người lao động và cứ mỗi đợt tăng lương như thế thì thực trạng lương người dân chưa kịp tăng, giá cả cũng đã leo thang, tăng đến mức độ chóng mặt. Chính vì vậy, với phần tiền lương được tăng lên người dân có thể cũng không đủ chi trả cho phần giá cả thị trường tăng.

Tôi cho rằng, chúng ta với nguồn lực có hạn, không thể là cứ thỉnh thoảng lại tăng lương và tăng lương nhiều để đạt được mức lương như kỳ vọng cho người lao động…

“Cải cách tiền lương” là biện pháp lâu dài

Phóng viên: Rõ ràng việc tăng lương cơ sở là điều đáng mừng nhưng chưa đủ và chưa phải là giải pháp lâu dài. Bà cho biết hệ lụy của tình trạng này và đề xuất cải cách chính sách tiền lương thế nào để bảo đảm những mức lương cơ bản sẽ đáp ứng được cuộc sống của người lao động nói chung, nhất là khối hành chính, sự nghiệp Nhà nước nói riêng?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Đúng là việc tăng lương là niềm động viên lớn cho người lao động. Tuy nhiên so sánh mức lương hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay với mức sống trung bình vẫn là khá thấp. Ví dụ, đối với một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường và đi làm cho cơ quan nhà nước thì mức lương khởi điểm là quá thấp so với mức lương của một lao động tự do mới đi làm. Điều này đã thể hiện vấn đề mức lương hiện nay cho công chức, viên chức là rất thấp.

Do vậy, để cải thiện được tình trạng này, tôi nghĩ rằng chúng ta khó có thể sử dụng các bài toán tăng lương để đạt được như kỳ vọng. Bởi vì nguồn lực có hạn, chúng ta không thể là cứ thỉnh thoảng lại tăng lương và tăng lương nhiều để đạt được mức lương như kỳ vọng cho người lao động. Trong khi đó, việc trượt giá qua hàng sẽ có, chứ không thể giữ nguyên được. Do vậy, tăng lương cơ sở đợt này, nhưng chỉ vài năm sau, nhu cầu đời sống thực tiễn đặt ra, lại tiếp tục phải điều chỉnh. Nhưng nếu cứ vài năm lại tăng một lần thì rõ ràng không ngân sách nào chịu nổi.

Phương án đặt ra là chúng ta không thể chỉ tập trung vào tăng lương mà phải tập trung vào cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương nghĩa là chúng ta cải cách cách tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức và nếu muốn cải cách cách tính lương, chắc chắn phải đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy.

Hiện nay, chúng ta cũng đang thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản bộ máy. Tuy nhiên việc gì cũng thế, đều cần phải có lộ trình để có được một bộ máy thực sự tinh gọn và hiệu quả. Qua đó, giảm bớt được số người hưởng lương từ ngân sách, nhưng mức lương cho người lao động sẽ được cải thiện hơn.

Còn nếu chúng ta cứ giữ một bộ máy quá cồng kềnh cùng những bộ phận hoạt động không hiệu quả sẽ làm mức lương nó sẽ bị dàn trải. Rồi sẽ có thực trạng mức lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với nhu cầu cuộc sống cũng như sức lao động của họ.

Chính bởi vậy, tôi nghĩ rằng, việc cần làm cũng như giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tập trung cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách toàn diện, hiệu lực, hiệu quả và và thực sự đảm bảo tinh gọn là vấn đề mấu chốt quan trọng nhất. Để thực hiện được điều này, cần phải có sự quyết tâm chính trị của tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=78231