ĐBQH NGUYỄN PHƯƠNG TUẤN: HÀI HÒA MỤC TIÊU QUẢN LÝ VÀ TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. Quan tâm đến dự án Luật này, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kỳ vọng, việc sửa đổi Luật này sẽ vừa hài hòa được mục tiêu quản lý và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển...

Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Sau hơn 13 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, chất lượng dịch vụ viễn thông được hoàn thiện và nâng cao, phát triển thị trường viễn thông đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi toàn diện luật để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới và khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý Nhà nước thời gian qua.

Để hiểu rõ hơn về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ được Quốc hội đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 5 này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kiên Giang.

Phóng viên: Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Xin đại biểu cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có đánh giá như thế nào về dự án Luật do Chính phủ soạn thảo để trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại kỳ họp này?

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc chuẩn bị bộ hồ sơ dự án Luật được Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ. Về cơ bản, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Tuy nhiên, về nội dung dự thảo Luật so với sự cần thiết, mục đích, nội dung được nêu trong Tờ trình cần phải xem xét nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung thêm, nhất là đối với những dịch vụ mới mà dự kiến Luật điều chỉnh như: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông.

Phóng viên: Trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) có bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số dịch vụ mới như dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT. Quan điểm của đại biểu về sự điều chỉnh này như thế nào và có thể cho ý kiến, đề xuất của mình về những vấn đề đưa ra?

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Về cơ bản, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các dịch vụ: (1) trung tâm dữ liệu; (2) điện toán đám mây và (3) dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT) để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng. Các dịch vụ mới này đang phát triển mạnh mẽ và được sử dụng phổ biến nhưng hiện chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành và cần phải có chế tài quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, an toàn, an ninh. Tuy nhiên, mức độ quản lý như thế nào là phù hợp thì cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Quan điểm quản lý nên theo hướng mở, quản lý bằng pháp luật ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với các dịch vụ mới này.

Phóng viên: Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, địa phương đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) là vấn đề sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích ở các địa phương. Theo đại biểu, qua tổng hợp các ý kiến, đề xuất trong thời gian qua, chúng ta có nên tiếp tục duy trì Quỹ này không và nếu còn duy trì thì trong thời gian tới, nguồn thu từ Quỹ này nên thực hiện như thế nào để nguồn kinh phí đóng góp thực sự sử dụng đúng mục đích, phục vụ đúng đối tượng được thụ hưởng?

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Về Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, qua tổng hợp có 02 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, những kết quả, mặt tích cực của mục tiêu Quỹ trong thời gian qua là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích để bảo đảm tính linh hoạt và kịp thời trong việc triển khai các hoạt động viễn thông công ích ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc làm này nhằm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách số giữa các vùng miền; đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); phù hợp với xu thế của các nước. Vì vậy, đề nghị cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị đánh giá đầy đủ các khoản đóng góp vào Quỹ và các nhiệm vụ chi của Quỹ. Khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ là một khoản thu có tính chất bắt buộc, mang tính chất như một loại “thuế” bổ sung trên doanh thu. Một số nhiệm vụ chi của Quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, như chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ viễn thông công ích; chi thực hiện một số dự án công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông của các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... Tổng nguồn thu lớn nhưng chi sử dụng cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ còn rất thấp, chủ yếu là chi cho đảm bảo bộ máy.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5.

Hơn nữa, việc đề ra cơ chế thu dẫn đến tồn Quỹ lớn, trong khi ngân sách Nhà nước còn thiếu hụt và phải điều tiết nguồn thu của Quỹ về ngân sách nhà nước là chưa phù hợp. Hiện nay, dịch vụ viễn thông cơ bản phủ sóng rộng khắp; việc đóng góp Quỹ được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông có thu nhập, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, mới hoạt động có lãi sẽ là chưa thỏa đáng trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn. Đồng thời, thủ tục thanh quyết toán đối với các nhiệm vụ chi này cũng có những bất cập. Vì vậy, đề nghị cân nhắc bỏ Quỹ này.

Xét về sự cần thiết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy nên tiếp tục duy trì Quỹ theo như đề nghị tại Tờ trình số 172/TTr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ. Qua các chuyến khảo sát thực tế tại một số địa phương, Ủy ban nhận thấy tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn vẫn cần tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ tài chính từ Quỹ để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, hỗ trợ các đối tượng chính sách sử dụng dịch vụ viễn thông để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ viễn thông bình đẳng cho mọi người dân.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể của Luật và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Quỹ này, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; đồng thời, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần được rà soát, hoàn thiện, phân định rõ từng dịch vụ viễn thông công ích, cần bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành Nhà nước ở địa phương trong việc sử dụng và quản lý Quỹ... để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và các quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng, mong đợi gì khi dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp này đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết được những bất cập, băn khoăn hiện nay của các doanh nghiệp viễn thông?

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Luật Viễn thông 2009 đã có hiệu lực thi hành hơn 13 năm, đến nay, đã bộc lộ nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập và việc sửa đổi Luật là cần thiết xuất phát từ bối cảnh mới với sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực viễn thông, xuất hiện nhiều dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới. Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này cần giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của Luật hiện hành; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu quản lý trong giai đoạn tới, vừa hài hòa được mục tiêu quản lý và mục tiêu khuyến khích phát triển, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới thì sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, có tác động tích cực đối với nền kinh tế và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76570