ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp. Chủ động, tự lực, tự cường, củng cố xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh (QPAN), xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy tinh nhuệ, hiện đại, đồng thời góp phần thúc đẩy CNH, HĐH đất nước.

Về quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Theo đó, tại khoản 4 Điều 6 xác định: “Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia”, theo đại biểu Mai Văn Hải cần xem xét lại quy định này, bởi vì theo Luật Quy hoạch 2017 thì chỉ có 39 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó không có quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh. Chỉ có công nghiệp quốc phòng nằm trong “Quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng”.

Hơn nữa, cần phải xác định rõ quy hoạch xây dựng quốc phòng an ninh là trong một quy hoạch hay hai quy hoạch. Đại biểu Mai Văn Hải thấy, các nội dung ở quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung quy hoạch, quy trình lập, thẩm định quy hoạch chưa thống nhất một quy hoạch hay hai quy hoạch, còn lẫn lộn. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị rà soát lại và đề nghị nên tách bạch hai quy hoạch thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Và căn cứ để lập quy hoạch đề nghị cần bổ sung căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh.

Điều 12, Điều 13 quy định về giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và cơ sở công nghiệp an ninh, cơ bản, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất, nhưng cần rà soát lại có một số nội dung quy định chưa tách bạch việc đặt hàng sản xuất quốc phòng và đặt hàng sản xuất sản phẩm an ninh như quy định ở khoản 2, 3, 4, 5 Điều 12 dự thảo Luật. Hơn nữa, các sản phẩm QPAN, dịch vụ công nghiệp QPAN là những sản phẩm đặc thù, khác với các sản phẩm hàng hóa thông thường, nên ngoài việc lựa chọn sản xuất sản phẩm phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu, thì đại biểu Mai Văn Hải đề nghị việc giao nhiệm vụ sản xuất đặt hàng đối với cơ sở quốc phòng nòng cốt và cơ sở công nghiệp an ninh cần phải có quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ sản xuất và đặt hàng sản xuất sản phẩm QPAN và cần rà soát cụ thể những sản phẩm thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất sang thực hiện đấu thầu theo quy định.

Về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp động viên (Điều 14); đặt hàng đối với các cơ sở dân sinh (Điều 15) theo đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần quy định cụ thể những sản phẩm nào thì giao nhiệm vụ, sản xuất, đặt hàng; sản phẩm nào thì phải đấu thầu và cơ chế thực hiện thì như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định.

Tại điểm c khoản 1 Điều 16 quy định: “c) Nguồn vốn chuyên biệt được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho các chương trình, dự án đầu tư, nhiệm vụ có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt”.

Đối với quy định về “Nguồn vốn chuyên biệt” trong dự thảo luật hiện không có nội dung nào để giải thích hoặc làm rõ, cụ thể về nguồn vốn chuyên biệt là gì. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, thuận tiện trong việc áp dụng luật đề nghị cần có sự giải thích thêm hoặc có quy định cơ sở pháp lý cụ thể để làm rõ nguồn vốn chuyên biệt là nguồn vốn như thế nào? cơ sở hình thành hoặc nguồn vốn này được lấy từ đâu? Cơ chế quản lý nguồn vốn này cũng cần được cụ thể hóa.

Tại điểm d khoản 1 Điều 16 quy định: “d) Ngân sách địa phương hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh”.

Nội dung quy định nêu trên cần phải được cân nhắc rà soát lại để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi; đảm bảo tính tương thích, thống nhất với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Bởi lẽ, thực tế điều kiện khả năng cân đối ngân sách của nhiều địa phương còn đang phụ thuộc vào cân đối ngân sách của Trung ương là chính, việc có ngân sách để hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh là khó khả thi. Đồng thời, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, ngân sách cấp nào thực hiện nhiệm vụ chi cho ngân sách cấp đó. Trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ cấp bách, khẩn cấp hoặc phòng, chống thiên tai thì mới có khả năng thực hiện việc hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp.

Để thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước được giao chủ trì phải thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện chưa quy định cụ thể cơ quan nào thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Do vậy, đề nghị xem xét rà soát để bổ sung quy định cụ thể cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giúp Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dbqh-mai-van-hai-tham-gia-gop-y-vao-du-an-luat-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep/200774.htm