ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU LÀ HÀNH ĐỘNG PHÙ HỢP, ĐẢM BẢO QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA VIỆT NAM

Sáng 29/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, với sự đồng thuận, thống nhất cao. Chia sẻ bên lề kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá, việc Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết để áp dụng ngay từ năm 2024 là hành động phù hợp, đảm bảo chúng ta thích ứng kịp thời với lộ trình chung của các nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, áp dụng từ năm tài chính 2024. Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Nghị quyết nêu rõ công thức xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn: Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có).Thuế suất tối thiểu là 15%.

Chia sẻ bên hành lang Kỳ họp thứ 6, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ điều tiết tất cả các tập đoàn lớn có mức doanh thu từ 750 triệu EU trở lên. Qua rà soát có nhiều tập đoàn đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của luật thuế này. Đặc biệt, trong số những nước có đầu tư lớn ở Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) đã quyết định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tư năm 2024. Nếu như năm 2024, nếu Việt Nam không ban hành nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, tất cả các tập đoàn lớn không nộp thuế ở Việt Nam mà sẽ nộp thuế tại nước mẹ, Như vậy, vô hình chung sẽ mất đi quyền thu thuế đối với những tập đoàn này, mà chúng ta không có biện pháp hỗ trợ các tập đoàn chịu sự điều tiết của thuế tối thiểu toàn cầu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Qua tổng hợp ý kiến từ góc độ của các nhà đầu tư bị điều chỉnh bởi thuế tối thiểu toàn cầu, việc Việt Nam chưa nội luật hóa quy định về thuế tối thiểu toàn cầu trước thời điểm 01/01/2024 sẽ làm các nước xuất khẩu đầu tư không rõ về khả năng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam; điều này có thể làm cho các nhà đầu tư phải lập kế hoạch cho năm 2024 theo hướng chuyển số thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung tại Việt Nam về kê khai và nộp tại nước mẹ. Vì vậy, các nhà đầu tư thể hiện quan điểm mong muốn Việt Nam sớm thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung để bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư khi xây dựng kế hoạch cho năm 2024.

Vì vậy, việc Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết để áp dụng ngay từ năm 2024 là hành động phù hợp, đảm bảo chúng ta thích ứng kịp thời với lộ trình chung của các nước; đồng thời trên cơ sở đó cũng cần tính đến các chính sách hỗ trợ những nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam.

Dự thảo Nghị quyết thông qua lần này chỉ thông qua mức thuế tối thiểu 15%; đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng ngay chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Như vậy, kỳ vọng trong thời gian gần sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó sẽ có các chính sách hỗ trợ các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chính sách hỗ trợ này cần đa dạng, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ bằng tiền cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Điều này sẽ gặp khó khăn trong quá trình xây dựng chính sách và không phù hợp với công ước quốc tế.

Điều quan trọng nhất là phải hỗ trợ các nhà đầu tư lớn được đón nhận những điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi, chi phí đầu tư thấp nhất… giúp nhà đầu tư tiết kiệm đầu tư đầu vào, tiết kiệm chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải bỏ ra và chính yếu tố đó không chỉ thu hút các nhà đầu tư, mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, vừa mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, vừa thức đẩy sự phát triển.

Hiện Chính phủ chưa có đánh giá tổng thể về hệ thống ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bao gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như các biện pháp phi thuế để xây dựng phương án thay thế sau khi thuế tối thiểu toàn cầu đi vào thực hiện.

Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa đổi nên sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, các tập đoàn đa quốc gia có đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp và cả Nghị quyết này. Theo đó, nhà đầu tư sẽ vẫn được hưởng ưu đãi miễn giảm theo quy định của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành, sau đó sẽ phải nộp lại khoản ưu đãi miễn giảm thuế này theo quy định của Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu và đồng thời có thể sẽ lại được xử lý hỗ trợ bổ sung ngoài thuế.

Hiện nay, Chính phủ mới chỉ hoàn thành dự án Nghị quyết này để ban hành ngay, giải quyết vấn đề nộp thuế tối thiểu toàn câùcho các nhà đầu tư hiện hành. Do vậy, chế độ thuế đối với các nhà đầu tư mới sẽ cần phải được Chính phủ tiếp tục giải quyết khi sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thuế hiện nay và khẩn trương xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách phù hợp.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ về đầu tư dưới sự đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc đề xuất hỗ trợ về tài chính dưới dự đề xuất của Bộ Tài chính. Theo đại biểu, cả hai vấn đề này cần được tiến hành song trùng, tuy nhiên hỗ trợ về tài chính, chính sách thuế không còn là chính sách ưu đãi nữa, mà đang là rào cản. Vì vậy, cần tính đến phương thức hỗ trợ theo hướng giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận đất đai, đào tạo lạo động, hỗ trợ hạ tầng logistic, tiếp cận thị trường… tạo ra không gian phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82687