ĐBQH: Để doanh nghiệp không dám, không muốn 'né' đóng BHXH

ĐBQH cho rằng tình trạng nợ đọng, trốn tránh, né tránh đóng bảo hiểm xã hội cần xử lý nghiêm minh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ngày 3/5 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 12, Ủy ban Xã hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự án Luật này dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Liên quan đến những vấn đề còn băn khoăn và kỳ vọng khi dự án Luật được thông qua, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Đồng Tháp.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

NĐT: Thưa đại biểu, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, đến nay đại biểu còn băn khoăn và đặc biệt quan tâm đến vấn đề nào trong dự thảo luật?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tôi quan tâm nhất là vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Hiện, dự thảo Luật đưa ra hai phương án khác nhau, tuy nhiên tôi vẫn còn băn khoăn.

Tôi cho rằng cán bộ, công chức, lãnh đạo rất hiếm rút bảo hiểm một lần mà sẽ chờ đến khi nghỉ hưu. Trong khi đó, người muốn rút bảo hiểm một lần phần lớn người lao động, công nhân làm trong các doanh nghiệp mà lương của họ cũng không cao.

Nếu nhận 50% bảo hiểm thì không giải quyết được gì, bởi khi nghỉ việc sau 12 tháng họ mới nhận được tiền. 12 tháng này họ cũng rất khó khăn, nếu sau 12 tháng họ nhận bảo hiểm mà chưa có công việc làm thì cũng tiêu hết tiền.

Còn nếu cho phép người lao động nhận bảo hiểm một lần theo luật hiện hành thì vấn đề chính sách an sinh xã hội sẽ khó khăn đối với những đối tượng này.

NĐT: Việc xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, theo ông vấn đề này cần phải quy định trong Luật như thế nào để nâng cao được trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tình trạng nợ đọng, trốn tránh, né tránh đóng bảo hiểm xã hội tôi cho rằng cần xử lý nghiêm minh. Bởi, những người tham gia bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp không đóng cho họ đó là chiếm dụng.

Thêm nữa, khi người lao động nghỉ việc họ cứ đinh ninh là bản thân đã đóng và doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho thì khi nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm nhưng thực tế lại không đóng thì đây là lỗi của doanh nghiệp. Cho nên, quy định xử lý vấn đề này theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tôi rất đồng tình. Thậm chí, cần thiết phải xử lý hình sự đối với những đơn vị này để nêu gương cho các doanh nghiệp không dám, không muốn, không làm những việc này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

ĐBQH kỳ vọng khi Luật được ban hành sẽ được đông đảo người lao động có đóng bảo hiểm đồng tình, ủng hộ.

NĐT: Với những bắt cập đã chỉ ra, cá nhân ông kỳ vọng như thế nào sau khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi rất kỳ vọng khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được ban hành sẽ được đông đảo người lao động có đóng bảo hiểm đồng tình, ủng hộ. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, tuyên truyền vận động, thuyết phục người lao động hiểu rõ về Luật.

NĐT: Tại kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với nhiều dự án luật, ông đánh giá như thế nào về các nội dung sẽ đưa ra bàn thảo tại kỳ họp này?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Theo tôi những luật hiện hành trong quá trình thực hiện còn bất cập dù là mới thì cũng cần thiết sửa đổi, bổ sung để kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, thể hiện vai trò trách nhiệm của đại biểu, tôi cho rằng từng ĐBQH dành thời gian, tâm huyết nghiên cứu các dự án Luật sẽ đưa ra tại Kỳ họp tới đây, góp ý kiến, phản biện để khi những dự án Luật được thông qua và có hiệu lực sẽ đi vào cuộc sống.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần

Trước đó, phát biểu ý kiến về việc chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, về nội dung quy định liên quan đến điều kiện hưởng BHXH một lần, mục tiêu đặt ra là giữ chân được người lao động, hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn bảo vệ đầy đủ quyền, lợi ích của người lao động.

Đối với nội dung này, Chính phủ trình 2 phương án. Theo Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Sự khác biệt của dự thảo Luật với quy định hiện hành là, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung (hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi);

Trong thời gian này, được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...). Dự thảo Luật vẫn quy định nếu người lao động không nhận trợ cấp hằng tháng thì nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.

Trong khi đó, nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Theo phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành, nghiên cứu sâu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, qua đó thấy rõ, mỗi phương án đều có nhưng ưu điểm, khuyết điểm đặc thù. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định như phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-de-doanh-nghiep-khong-dam-khong-muon-ne-dong-bhxh-a662435.html