ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO LÀNH MẠNH CHO NHÂN DÂN

Để xây dựng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, hướng thiện và một xã hội công bằng, an toàn và hạnh phúc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc thiết lập và tuân thủ các quy tắc, quy định cụ thể về hành vi trục lợi tín ngưỡng trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng và cần thiết.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Thưa ông! Mùa lễ hội xuân bắt đầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, trong đó nhấn mạnh xử lý nghiêm hành vi trục lợi tín ngưỡng. Trên thực tế, hoạt động tín ngưỡng thực chất và trục lợi tín ngưỡng có ranh giới khá mong manh. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đúng như vậy, hoạt động tín ngưỡng và mê tín dị đoan, và cả trục lợi tâm linh có ranh giới rất mong manh, khó xác định một cách rõ ràng. Đó là lý do, qua nhiều năm, dù chúng ta có nhiều văn bản quản lý Nhà nước, các địa phương cũng có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng dường như các hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh không bị loại bỏ hẳn khỏi đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.

Chúng ta thấy, chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường, vì thế, mọi hoạt động xã hội đều chịu sự chi phối của các quy luật của nền kinh tế thị trường ấy như quy luật cung – cầu, quy luật cạnh tranh, hay lợi ích trở thành yếu tố chi phối các mối quan hệ xã hội, trong đó có cả các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh. Điều đó không chỉ hẳn tốt, cũng hẳn xấu nhưng nếu để thái quá sẽ xấu.

Ý của tôi ở đây là, thay vì đi lễ phật, cầu thánh thành tâm, những người tổ chức lễ hội, quản lý di tích tìm mọi cách như làm phát sinh dịch vụ, yêu cầu có nhiều vàng mã, lễ vật, tạo ra những hoạt động mê tín dị đoan, để khách hành hương phải chi trả cao, hoặc chi trả cho những thứ không cần thiết. Điều này lại ảnh hưởng tiêu cực đến tiền bạc, thậm chí sức khỏe của người dân. Đó là điều không nên, không phải, thậm chí là nghiêm cấm đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.

Phóng viên: Theo ông, các ban, ngành, địa phương đang phải đối mặt với những khó khăn nào trong việc phát hiện và xử lý hành vi trục lợi tín ngưỡng?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Do hoạt động tín ngưỡng, tâm linh và hành vi trục lợi rất khó phân biệt rõ ràng, thêm vào đó lại mang tính cá nhân nên việc xử lý rất khó thực hiện. Các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương nhiều khi chỉ có thể tuyên truyền, nâng cao nhận thức chứ khó có thể bắt một ai đó tiêu ít tiền hơn cho các lễ vật, chi trả cho các dịch vụ tín ngưỡng, tôn giáo.

Mùa lễ hội xuân bắt đầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, trong đó nhấn mạnh xử lý nghiêm hành vi trục lợi tín ngưỡng

Thêm vào đó, dù các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta có những quy định xử phạt nhưng do định nghĩa thế nào là mê tín dị đoan, thế nào là trục lợi cũng không hẳn đã rõ ràng nên việc xử phạt là khó khăn. Thiếu sự phối hợp tích cực và chặt chẽ của các di tích, khi các di tích cũng được lợi từ các hoạt động trục lợi này hay đội ngũ cán bộ mỏng cũng gây khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Phóng viên: Phải chăng chúng ta cần một bộ quy tắc hay những quy định cụ thể hơn để người dân hiểu rõ về hành vi trục lợi tín ngưỡng, đồng thời giúp các cơ quản lý dễ dàng hơn trong việc phát hiện và xử lý những vi phạm?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chắc chắn là như vậy. Việc thiết lập và công bố các quy tắc cụ thể về hành vi trục lợi tín ngưỡng là rất quan trọng để đảm bảo sự hiểu biết và tuân thủ từ phía người dân, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc xử lý vi phạm.

Đầu tiên, cần phải định nghĩa cụ thể về những hành vi được coi là trục lợi tín ngưỡng. Đưa ra các ví dụ cụ thể về các hành vi trục lợi tín ngưỡng để giúp người dân hiểu rõ hơn về những hành vi này.

Thứ hai, chúng ta cần phân loại các loại hành vi trục lợi tín ngưỡng và gắn với mỗi loại hình phạt cụ thể. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn về hậu quả của việc vi phạm và tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc xử lý vi phạm.

Để xây dựng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, hướng thiện và một xã hội công bằng, an toàn và hạnh phúc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc thiết lập và tuân thủ các quy tắc, quy định cụ thể về hành vi trục lợi tín ngưỡng trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng và cần thiết

Thứ ba, chúng ta cần xác lập các quy định rõ ràng về cách thức báo cáo và xử lý các trường hợp vi phạm. Cần phải xác định rõ ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong quá trình xử lý, cách thức tiếp nhận thông tin báo cáo, và các biện pháp xử lý.

Thứ tư là sử dụng các cách truyền thông như hội thảo, tài liệu hướng dẫn, video, hoặc trang web để phổ biến các quy tắc và quy định đến cộng đồng một cách dễ dàng và hiệu quả. Cần phải có sự tham gia và phản hồi từ phía cộng đồng trong quá trình xây dựng và cập nhật các quy tắc và quy định. Điều này giúp đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả của các biện pháp được thiết lập.

Tôi tin rằng, việc thiết lập và tuân thủ các quy tắc và quy định cụ thể về hành vi trục lợi tín ngưỡng là một phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, hướng thiện, và một xã hội công bằng, an toàn và hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85071