Dạy trẻ làm bánh trung thu: Góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống

Các bé tham gia lớp học trải nghiệm làm bánh trung thu tại trường mầm non Liên Cơ

Tết Trung thu không chỉ là ngày lễ gắn kết tình thân mà còn là cơ hội để trẻ em được vui chơi, đắm mình trong những câu chuyện cổ tích. Đặc biệt, trung thu năm nay, nhiều lớp học làm bánh trung thu đã được mở ra nhằm giúp trẻ em trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có cơ hội hiểu hơn về văn hóa dân tộc thông qua những chiếc bánh do chính tay các em làm ra để biếu cha mẹ, ông bà.

Những ngày trung tuần tháng 8 (âm lịch), có mặt tại Trường Mầm non Liên Cơ, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, chúng tôi cảm nhận được không khí phấn khởi, rôm rả tiếng cười của các em học sinh nơi đây. Trong sự háo hức, tò mò của các bé, cô giáo, phụ huynh và các bạn nhỏ đã cùng nhau hoàn thành những chiếc bánh nhỏ xinh, chứa đựng đầy tình yêu thương. Em Triệu Khánh Nguyên, lớp 4A5, Trường Mầm non Liên Cơ phấn khởi chia sẻ: Đây là lần đầu tiên con được tự tay làm một chiếc bánh trung thu. Con cảm thấy rất vui và thích thú với những chiếc bánh này. Sau khi làm xong con sẽ mang về biếu ông bà, cha mẹ.

Cô Dương Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A5, Trường Mầm non Liên Cơ chia sẻ: “Dạy trẻ làm bánh trung thu không chỉ tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, khám phá mà còn góp phần hình thành và phát triển kỹ năng sống, hình thành nhân cách cho trẻ. Để dạy trẻ làm bánh trung thu, tôi đã dành thời gian tham gia các khóa học dạy làm bánh tại thành phố Lạng Sơn và tìm hiểu thêm trên mạng Internet cách làm các loại nhân bánh như: trà xanh, đậu đỏ… Bên cạnh hướng dẫn trẻ các công đoạn làm bánh, chúng tôi còn kể thêm những câu chuyện cổ tích về chú Cuội và chị Hằng và giải thích những nét đẹp văn hóa ngày Tết Trung thu và nhiều ngày lễ khác của Việt Nam. Nhìn những khuôn mặt non nớt, lấm lem bột bánh chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi khi nghe các cô kể chuyện, chúng tôi lại có thêm động lực để tổ chức thêm nhiều lớp học trải nghiệm như vậy hơn.”

Không chỉ tại Trường Mầm non Liên Cơ, những ngày gần Tết Trung thu, bên cạnh các hoạt động như: chơi trò chơi, biểu diễn văn nghệ, làm đèn ông sao… nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: Trường Mầm non 19/5, Trường Mầm non Anh Việt, Trường Mầm non Hoa Sữa… cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho bé làm bánh nướng, bánh dẻo. Ngày 26/9 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc lễ hội Háng Pỉnh trong đó, có hoạt động trải nghiệm làm bánh trung thu truyền thống cho các em học sinh mầm non và tiểu học của các trường học trên địa bàn thành phố. Tại đây, các nghệ nhân làm bánh trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn các em học sinh quy trình làm bánh nướng. Qua đó, giúp trẻ được thực hành, tích lũy kinh nghiệm phong phú, mở rộng trí tưởng tượng và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống dịp tết trung thu.

Không chỉ tại các trường học mà nhiều người còn mở các lớp học dạy làm bánh trung thu cho trẻ em, được nhiều người ủng hộ. Chị Nguyễn Thùy Linh, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Với sự phát triển không ngừng của cuộc sống hiện đại, những chiếc bánh trung thu được đóng gói sẵn, với đa dạng mẫu mã đã dần thay thế những chiếc bánh truyền thống. Chính vì vậy, để các con có mùa trung thu thật trọn vẹn, ý nghĩa, tôi bắt đầu mở lớp dạy trẻ làm bánh trung thu từ đầu tháng 8 âm lịch. Mỗi lớp có khoảng 10 trẻ từ 5 đến 15 tuổi. Tại gian bếp nhỏ, các bé được tự tay nhào bột, được sáng tạo hình thù cho chiếc bánh của mình, mang về làm quà cho ông bà, cha mẹ. Mặc dù còn lóng ngóng nhưng thấy các con vui vẻ, kiên trì thực hiện như vậy khiến tôi và các bậc phụ huynh rất vui. Các con sôi nổi, thảo luận và còn muốn cô dạy thêm nhiều món bánh truyền thống khác như: bánh chưng, bánh dày… trong buổi học tiếp theo.

Chị Hoàng Thị Mai, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tôi đã cho con gái tham gia trải nghiệm lớp học làm bánh trung thu của cô Linh được 2 buổi để con có cảm nhận sâu hơn về Tết Trung thu của người Việt. Tự tay làm bánh trung thu không chỉ giúp con rèn luyện được tính kiên trì, tỉ mỉ mà còn giúp con học cách quan tâm, yêu thương các thành viên trong gia đình hơn. Qua đó, góp phần thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn của ông bà, cha mẹ.

Mỗi dịp Tết Trung Thu, bên cạnh mâm cỗ tết thì trên các bàn thờ của mỗi gia đình không thể thiếu những chiếc bánh bánh dẻo, bánh nướng cúng ông bà tổ tiên. Bánh trung thu là tinh hoa ẩm thực, là trí tuệ của người Việt và cũng là nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh cần được gìn giữ và việc dạy trẻ làm bánh đã và đang góp phần gìn giữ hương vị bánh trung thu truyền thống.

MAI LINH - KIM HUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/613682-d-4.html