Dạy tốt chưa chắc đã “hút” lao động học nghề

NDĐT - Huyện Đồng Hỷ là một trong những huyện miền núi trọng điểm được đầu tư dạy nghề theo quyết định 1956. Theo đó Trung tâm dạy nghề ở tuyến huyện sẽ đóng vài trò “đầu tàu” trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Thực tế, hoạt động Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một lớp học hái chè của Trung tâm tại xã Cây Thị , huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Thiếu kinh phí dạy nghề

Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên được thành lập hơn 5 năm, trên diện tích 2ha gần thành phố Thái Nguyên, nhìn bề ngoài khang trang nhưng bên trong lại đang thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc học và hành.

Tuy đã được đầu tư kinh phí, xây dựng bốn phòng học tại chỗ dạy nghề may công nghiệp, chế biến chè, hàn, điện dân dụng... nhưng hầu hết các thiết bị đều đã cũ. Cùng với đó, trung tâm vẫn còn thiếu khá nhiều thiết bị lưu động phục vụ cho việc dạy nghề tại cấp xã. Là địa bàn miền núi, nhiều xã cách trung tâm huyện tới cả vài chục cây số nhưng khi mở lớp lại không thể kiếm nổi một chiếc xe để đưa vật dụng học tập tới cho bà con. Thêm nữa, chi phí để thuê địa điểm mở lớp học cũng rất tốn kém.

Ngoài những khó khăn về trang thiết bị, trung tâm gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy. Toàn Trung tâm chỉ có 14 giáo viên, quản lý, trong đó chỉ có bốn người được biên chế. Để đáp ứng nhu dạy nghề hàng năm, trung tâm cũng phải hợp đồng, thuê gần 40 giáo viên thỉnh giảng. Bên cạnh khó khăn về máy móc và trang thiết bị, giáo viên, thì trung tâm cũng đang gặp một khó khăn lớn hơn chính là kinh phí dành cho đào tạo, và hỗ trợ lao động học nghề.

Ông Nguyễn Bá Định, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện nay nguồn kinh phí hỗ trợ cho Trung tâm chỉ có thể đáp ứng để hỗ trợ và giảng dạy cho 30% lao động, số còn lại, trung tâm phải tự liên kết với các doanh nghiệp, hoặc tự vận động nguồn xã hội hóa dạy nghề để hỗ trợ cho lao động”.

Ông Định cũng cho biết thêm, tuy khó khăn nhưng hiện nay 100% lao động học nghề tại trung tâm không mất tiền học phí, riêng lao động chính sách, lao động nghèo được hỗ trợ thêm tiền ăn uống đi lại. Tuy nhiên, sắp tới nếu triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kiểu tập trung, cơ sở sẽ gặp khó khăn hơn nữa vì trang thiết bị, máy móc tại Trung tâm vẫn còn thiếu khá nhiều, khó mà đáp ứng hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn.

Đào tạo tốt vẫn chưa đủ

Không phải là Trung tâm dạy nghề duy nhất trên địa bàn huyện, hoạt động dạy nghề gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ những đơn vị khác thế nhưng sau hơn 5 năm thành lập, Trung tâm đã đào tạo được một số lớn học viên.

Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được khoảng 5.000 lao động, trong đó lao động nông thôn qua đào tạo được cấp chứng chỉ tại trung tâm chiếm trên 70%. Hiện Trung tâm đang đào tạo khoảng 40 nghề, trong đó có những nghề là nghề truyền thống của địa phương được lao động nông thôn hào hứng đăng ký theo học như: Nghề trồng, chế biến chè, nghề hàn, nghề may công nghiệp, sữa chửa máy nông nghiệp…

Trong đó chỉ ít nghề là trung tâm thực hiện đào tạo ngay tại trung tâm, các nghề còn lại như chăn nuôi thú y, trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi,.. Trung tâm thường xuống tận cơ sở để mở lớp dạy cho lao động nhằm gắn “học với hành” để việc học nghề của bà con đỡ vất vả và hiệu quả nhất.

Tuy vậy, hiện nay Trung tâm đang đứng trước sức ép vì số lượng lao động đăng ký học giảm dần. Ông Định trăn trở: “Do Trung tâm cách thành phố không xa, chưa đầy 1km, lại cách xa trung tâm huyện nên không thuận lợi cho lao động đến học tập. Trong khi đó trên địa bàn lại có rất nhiều trường trung cấp, dạy nghề, vì thế nếu không đi làm công nhân trên phố, lao động có muốn đi học nghề cũng sẽ học các trường ở thành phố thôi”.

Đứng trước những khó khăn lớn, Trung tâm dự định sẽ mở thêm những ngành đào tạo mới hướng tới dạy ngành nông nghiệp hiện đại như: trồng hoa lan hồ điệp, trồng cây cảnh, chăn nuôi con vật đặc sản… để hút lao động nông thôn. Đặc biệt, Trung tâm dự định sẽ xin ý kiến của huyện, xác định trọng tâm đầu tư dạy nghề ngành trồng, chế biến và kinh doanh chè làm nghề “mũi nhọn” nhằm phát triển thế mạnh của vùng, giải quyết ngay việc làm cho lao động sau khi đào tạo.

Những năm gần đây vì quá khó khăn Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Hỷ phải đa dạng hóa loại hình giảng dạy. Thêm vào đó áp dụng nghiên cứu thêm mô hình trồng lan Hồ Điệp để cung ứng sản phẩm cho thị trường, đồng thời ứng dụng để dạy nghề trồng hoa lan và cây cảnh công nghệ cao cho bà con nông dân. Sau hơn một năm thử nghiệm Trung tâm đã mạnh dạn đầu tư thêm một nhà màn nữa với tổng diện tích lên đến 700m2 để trồng hơn 6.000 gốc lan, nâng tổng diện tích lên gần 1.000 m2. Nghề trồng hoa lan và cây cảnh đang được rất nhiều nông dân hào hứng đăng ký theo học.

QUANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/22360302-day-tot-chua-chac-da-%e2%80%9chut%e2%80%9d-lao-dong-hoc-nghe.html