Đẩy tiến độ cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Sau gần 8 tháng thi công, sản lượng dự án thành phần đoạn đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 8,1% giá trị hợp đồng, chậm 5,6% so với tiến độ dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết vừa báo cáo Cục Quản lý đầu tư xây dựng về tình hình triển khai thực hiện dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Đoạn thi công thử nghiệm đắp cát biển đường hoàn trả đường tỉnh 978 qua địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Đoạn thi công thử nghiệm đắp cát biển đường hoàn trả đường tỉnh 978 qua địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Theo đó, sau gần 8 tháng, sản lượng thi công dự án đạt 8,1% hợp đồng, chậm 5,6% so với tiến độ dự án.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, hiện nay còn nhiều vị trí chưa thi công được do mặt bằng chưa liên tục, còn nhiều vị trí "xôi đỗ", nhiều đoạn chưa thể thi công.

Trong đó, tỉnh Hậu Giang có hai vị trí (cầu Giải Phóng, cầu Giồng Cấm); tỉnh Kiên Giang có ba vị trí tiếp giáp (cầu Cái Nhum, cầu Cạnh Đền - Phó Sinh, cầu Láng Cùng).

Phía các nhà thầu cũng chưa quyết liệt khắc phục khó khăn, chưa tìm giải pháp thi công, huy động thiết bị chưa kịp thời và chưa đủ như cam kết.

Dù vậy, cũng theo ông Tuân, công tác quản lý chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cho từng gói thầu và cả dự án cơ bản đạt yêu cầu.

Đơn vị thi công khẩn trương huy động máy móc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Đơn vị thi công khẩn trương huy động máy móc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Thông tin thêm, ông Tuân cho hay, để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đã huy động 98 mũi thi công, 262 thiết bị, 220 kỹ sư và 514 công nhân, lái máy.

Chủ đầu tư cũng phối hợp với địa phương xử lý các vướng mắc để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ yêu cầu; hoàn thiện hồ sơ bổ sung mương dẫn nước theo đề nghị của địa phương.

Thông tin thêm về nguồn vật liệu xây dựng, ông Lê Đức Tuân cho biết: theo cam kết, ba tỉnh là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long sẽ cung ứng 1,471 triệu m3 cát san lấp cho toàn dự án trong năm 2023.

Trong đó, nhiều nhất là An Giang với 1,1 triệu m3 từ các mỏ Tân Lê Quang, Vạn Hưng Tùng, Trung Hậu - Tổng 68 và Hải Toàn. Tuy nhiên, đến nay các nhà thầu chỉ mới ký hợp đồng được 2/4 mỏ cát tại An Giang, cung cấp 110.000m3 cát.

Còn tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp đủ 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng công suất. Tỉnh này cũng đã có văn bản giới thiệu 6 mỏ cát mới với trữ lượng dự kiến khoảng 6,629 triệu m3. Riêng, tỉnh Vĩnh Long đang hoàn thiện thủ tục bàn giao mỏ.

Tổng chiều dài tuyến cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau là 73,22km tuyến chính và 16,6Km tuyến nối; chiều dài qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 26,1km (huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ); tỉnh Bạc Liêu khoảng 7,7km (huyện Hồng Dân); tỉnh Kiên Giang khoảng 17,04Km (huyện Vĩnh Thuận) và Cà Mau 21,86km tuyến chính và 16,59km tuyến nối (huyện Thới Bình, huyện Cái Nước);

Tổng mức đầu tư dự án trên 17.152 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công ngày 1/1/2023; dự kiến hoàn thành ngày 12/2025.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/day-tien-do-cao-toc-hau-giang-ca-mau-192230905130658245.htm