Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giảm thủ tục hành chính

Thảo luận tại tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi) chiều nay, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách, đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là cần thiết, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, giảm thủ tục hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt hơn.

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách, đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các các ĐBQH Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn), Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), Thái Thị An Chung (Nghệ An)... nêu rõ, đây quyết sách mà người dân, doanh nghiệp và các địa phương đang rất mong chờ, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đại biểu Hoàng Duy Chinh cho biết, vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư, xây dựng công trình giao thông đường bộ còn vướng mắc về thủ tục hành chính do phân cấp, phân quyền, nên việc ban hành một Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết trong bối cảnh nguồn lực thì có, nhưng không giải ngân được. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách, đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, giảm bớt thủ tục hành chính, bảo đảm sự điều hành, chỉ đạo linh hoạt.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi thảo luận tại tổ chiều 27.10. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi thảo luận tại tổ chiều 27.10. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Hoàng Duy Chinh nhấn mạnh: “Tính nhân văn của Nghị quyết là cho phép dùng ngân sách của địa phương này hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho địa phương khác. Đây chính là sự chia sẻ giữa các địa phương. Thực tế, địa phương có điều kiện, muốn giúp địa phương khác nhưng không giúp được, bởi Luật Ngân sách Nhà nước quy định không dùng tiền của địa phương này cho địa phương khác, trong khi địa phương có nhiều lợi thế hơn sẵn sàng chia sẻ với địa phương khó khăn hơn”.

Đối với nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, nhằm bảo đảm dự án được lựa chọn thực sự cần thiết, cấp bách và phù hợp với quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả. Đồng thời, đại biểu đề xuất, danh mục các dự án đề xuất áp dụng thí điểm phải được ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Đối với thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương và cơ chế, chính sách đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ cần đánh giá, bổ sung sơ kết việc triển khai thực hiện các chính sách này (vốn đã được quy định trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), để Quốc hội có thêm cơ sở quyết định.

ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ việc khai thác khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chỉ được phục vụ cho dự án được phép, tránh tình trạng lợi dụng tích trữ, bán cho dự án khác gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước.

Về thẩm quyền đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, đại biểu Trần Thị Hồng An cho rằng, cần quy định rõ nguyên tắc tiêu chí lựa chọn để giao cho một tỉnh làm chủ đầu tư. Đồng thời quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tỉnh có liên quan, tránh chồng chéo, gây xung đột.

Qua thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, các đại biểu Quốc hội đều mong muốn thông qua Nghị quyết này càng sớm, càng tốt. Tuy nhiên, Chính phủ cần báo cáo rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong triển khai các dự án giao thông đường bộ còn chậm trễ.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/day-nhanh-tien-do-giai-ngan-giam-thu-tuc-hanh-chinh-i347864/