Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), qua đó góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và sự đồng thuận của Nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh.

Trường THCS Khe Sanh tổ chức cho đại diện các lớp ký cam kết thi đua thực hiện tốt an toàn giao thông - Ảnh: T.L

Triển khai hiệu quả trong trường học

Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Khe Sanh, huyện Hướng Hóa có 845 học sinh, phân bổ ở 4 khối với 22 lớp học. Để giúp học sinh trong nhà trường nâng cao nhận thức pháp luật về an toàn giao thông (ATGT), ngay từ đầu năm học, trường đã phối hợp với Công an thị trấn Khe Sanh tổ chức tuyên truyền và ký cam kết ATGT, đồng thời lồng ghép tuyên truyền nhiều nội dung liên quan đến Luật ATGT trong buổi chào cờ đầu tuần.

Cùng với đó, trường đã tổ chức cho đại diện các lớp ký cam kết thi đua; các lớp tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện tốt ATGT. Trong buổi họp đầu năm, các phụ huynh đã ký cam kết với nhà trường về nội dung ATGT; nhà trường cũng đã ký cam kết với trưởng công an thị trấn về thực hiện tốt ATGT. Tuyên truyền về ATGT là một trong những nội dung quan trọng nằm trong công tác tuyên truyền, PBGDPL mà trường đã triển khai nhiều năm qua.

Hiệu trưởng Trường THCS Khe Sanh Trần Văn Hoàng cho biết: “Việc PBGDPL là hoạt động được nhà trường triển khai thường xuyên. Chúng tôi đã lồng ghép vào các buổi chào cờ đầu tuần, buổi sinh hoạt, trong từng môn học có liên quan (đặc biệt là môn giáo dục công dân). Các nội dung tuyên truyền chủ yếu là về ATGT, tảo hôn, sức khỏe sinh sản vị thành niên…, qua đó, nhận thức pháp luật của học sinh trong nhà trường được nâng lên đáng kể”.

Để thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng kế hoạch và hướng dẫn chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện công tác PBGDPL. Theo đó, các đơn vị, trường học đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc công tác PBGDPL, kịp thời phổ biến các quy định pháp luật đến với giáo viên, học sinh. Các trường THPT, THCS thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân theo hướng cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh.

Đồng thời, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định; tổ chức dạy học linh hoạt theo hướng tích hợp bằng nhiều hình thức như: kể chuyện pháp luật, sân khấu hóa, xem tư liệu… nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh. Thực hiện đổi mới quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục công dân, tăng cường ra đề theo hướng “mở” để học sinh liên hệ, phân tích, bình luận, biểu đạt chính kiến và định hướng hành vi của mình…

Nhiều đơn vị trường học đã phối hợp với công an các địa phương tuyên truyền, giáo dục trật tự ATGT thông qua các buổi chào cờ đầu tuần. 100% đơn vị trường học thực hiện lồng ghép giáo dục ATGT thông qua giảng dạy các bộ môn văn hóa trong chương trình chính khóa, tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Việc xây dựng mô hình “Phiên tòa giả định”, “Phiên tòa lưu động”, “Cổng trường ATGT” được các trường học trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai hiệu quả.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Không chỉ thực hiện tốt trong trường học, nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật hiệu quả cũng được các địa phương triển khai, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của Nhân dân về pháp luật. Tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, mô hình “Giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội - An toàn giao thông” đã được triển khai hiệu quả.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thônTrúc Lâm Nguyễn Thị Long cho biết: “Mô hình đi vào hoạt động gần 10 năm nay với trên 50 thành viên là các hội viên, phụ nữ trong chi hội. Thông qua sinh hoạt định kỳ của mô hình, các thành viên đã được cung cấp kiến thức cơ bản về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Từ đó giúp chị em nâng cao nhận thức về pháp luật để tuyên truyền, giáo dục con em trong gia đình, người thân. Hiệu quả rõ nhất mà mô hình đem lại chính là con em các hội viên, phụ nữ trong thôn không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, các cháu đều chăm ngoan, vâng lời cha mẹ. Với những cháu có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đã có cảm hóa, giáo dục kịp thời”.

Tại các địa phương, nhiều mô hình hay, sáng tạo trong PBGDPL cũng được triển khai, đem lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu như tại thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, mô hình “Câu lạc bộ ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” được triển khai hiệu quả. CLB ra đời đã góp phần hạn chế được những xích mích, mâu thuẫn trong mỗi gia đình, các gia đình sống hòa thuận, con cháu hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ; tình làng, nghĩa xóm thêm thắt chặt; tình trạng khiếu kiện vượt cấp, mất an ninh trật tự thôn xóm được đẩy lùi…

Hội LHPN với các mô hình như: “Không có con em và người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại Chi hội thôn An Trú, xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong); “Thôn không có tội phạm” tại xã Mò Ó (huyện Đakrông); “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật” tại huyện Hải Lăng...

Cùng với đó, để thực hiện tốt công tác PBGDPL, các cấp hội đã duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động 250 CLB phòng, chống tội phạm, mô hình “Chi hội, tổ phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” với 13.848 thành viên. Tại các CLB, hội đã phối hợp với công an tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tín dụng đen, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Các mô hình CLB hoạt động có hiệu quả, dần đi vào chiều sâu đã góp phần hạn chế được các tệ nạn xã hội…

Hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua từng bước đi vào nền nếp, đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với từng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Nhiều hoạt động PBGDPL đã được triển khai đồng bộ thu hút nhiều người tham gia, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Từ đó hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Hạn chế vi phạm pháp luật, tạo thuận lợi để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=171339&title=day-manh-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat