Đẩy mạnh thị trường tiêu thụ Cam sành Hàm Yên tại miền Nam

(Congluan.vn) - Cam sành Hàm Yên là loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng lâu đời của huyện miền núi Hàm Yên (Tuyên Quang). Nhằm quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ tại miền Nam, UBND huyện Hàm Yên và Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp cùng Sở NN&PTNT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và Quảng bá thương hiệu Cam sành Hàm Yên tại TP.HCM…

Quang cảnh buổi hội nghị

Phát biểu trong hội nghị vào sáng ngày 28/12, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM), bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Hàm Yên có điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu phù hợp cho cây cam sành sinh trưởng và phát triển, người dân có kinh nghiệm trồng lâu năm. Cam sành Hàm Yên là loại cây trồng chủ lực có từ lâu đời của huyện, được trồng nhiều trên vùng đồi núi và là loại quả có giá trị dinh dưỡng rất cao. Nhờ vậy, cam sành Hàm Yên đã được bình chọn là 1 trong 50 loại trái cây đặc sản Việt Nam, Top 10 thương hiệu – nhãn hiệu nổi tiếng do Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo bình chọn, gần đây nhất vào ngày 17/5/2014 được tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2013…”.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2014, diện tích trồng cam sành tại huyện Hàm Yên đạt 4.000 ha, năng suất bình quân 127 tạ/ha, trị giá đạt trên 310 tỷ đồng. Dù là loại quả đặc sản nổi tiếng từ lâu nhưng mãi đến năm 2006, Hội Cam sành Hàm Yên mới được thành lập và đến năm 2007, huyện Hàm Yên đã xây dựng thành công thương hiệu Cam sành Hàm Yên. Xác định cam sành là cây chủ lực của huyện cũng như của tỉnh, năm qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt đề án vùng sản xuất cam sành của tỉnh giai đoạn 2014-2020, theo đó, diện tích trồng cam sành toàn vùng sẽ đạt trên 5.000 ha, năng suất bình quân 150 tạ/ha, giá trị ước đạt 1.300 tỷ đồng vào năm 2020...

Tại hội nghị, đại diện UBND huyện Hàm Yên cũng chỉ ra, một trong những trở ngại khiến cam sành Hàm Yên còn gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ tại miền Nam là do cam Hàm Yên có màu vàng nên người dân thường ngộ nhận là cam có nguồn gốc Trung Quốc. Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, Trưởng Ban xây dựng thương hiệu Cam sành Hàm Yên chỉ ra sự khác biệt: “Thường từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch, cam sành Hàm Yên chưa chín nên có quả màu xanh, vị chua ngọt. Từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, cam chín chuyển sang màu vàng ửng đỏ, để lâu ngày màu càng thêm đỏ. Cam sành Hàm Yên nhiều nước, chín có vị ngọt thanh, túi dầu trên vỏ quả nhìn khá rõ, vỏ khi bóc dẻo, để trong nhà tối đa không quá 10 ngày... Trong khi đó, cam có nguồn gốc Trung Quốc màu rất vàng, vỏ xốp, không có túi dầu ở ngoài vỏ rõ ràng, ít nước, ăn nhạt, để được rất lâu…”.

Thu hoạch Cam sành Hàm Yên được trồng theo tiêu chuẩn VietGap khi còn xanh (Ảnh: Baotuyenquang)

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, hội nghị được xem là cơ hội để Hàm Yên nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung quảng bá thương hiệu đặc sản và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm cam sành Hàm Yên tại miền Nam. Đặc biệt, qua đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế, ổn định sản xuất và nâng cao đời sống người dân của một tỉnh thuộc vùng cao phía Bắc đất nước.

Nguyên Pháp - Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/9/53739/Day-manh-thi-truong-tieu-thu-Cam-sanh-Ham-Yen-tai-mien-Nam.html