Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm làng nghề

Một trong những thế mạnh của làng nghề Bình Định là nhóm sản phẩm thủ công, trong đó có nhiều sản phẩm sạch, không chứa hóa chất bảo quản. Tận dụng lợi thế này, các cơ sở sản xuất đang đẩy mạnh sản xuất bún, phở khô, với chất lượng sản phẩm cạnh tranh giành thị phần ở phân khúc bán lẻ và xuất khẩu.

Chủ cơ sở sản xuất Kicafoods Nguyễn Ngọc Kiều kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Từ một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Ngọc Kiều và Lê Thị Cảnh (thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) quyết chí lập nghiệp bằng sản xuất bún khô. Sau nhiều nỗ lực, thất bại rồi cũng thành công, đến nay, họ đã xây dựng được cơ sở sản xuất bún khô Kicafoods.

Anh Kiều đảm nhận vai trò “giám đốc”, chị Cảnh làm “trợ lý” cho chồng, vừa tiếp tục làm công việc tại một trường đại học. Qua ba năm gây dựng, đến nay, sản phẩm bún khô Kicafoods đã được người tiêu dùng đón nhận và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Dù chỉ mới khởi nghiệp chưa lâu, nhưng Kicafoods đã có sản phẩm bún khô đạt hạng 3 sao OCOP năm 2021; bún gạo lứt, phở khô đạt hạng 3 sao OCOP năm 2022; bún khô đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022.

Anh Kiều cho biết: “Tất cả sản phẩm bún, phở khô của chúng tôi sử dụng gạo nguyên liệu chế biến là ĐV 108, giống nổi tiếng của Bình Định. Trước đây, chúng tôi gần như chỉ chú trọng về chất lượng, ít đầu tư cho mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhưng khi tiến vào thị trường TP Hồ Chí Minh, để có thể cạnh tranh với các loại thực phẩm khác thì phải đổi mới toàn diện, về cả chất lượng, hình thức đẹp, mẫu mã hấp dẫn… lúc này, người tiêu dùng mới nhận diện và đón nhận sản phẩm dễ dàng hơn”.

Trong nỗ lực phát triển và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, ngoài các thị trường quen thuộc ở miền trung, Tây Nguyên, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lào, Campuchia, sắp tới cơ sở của vợ chồng anh Kiều sẽ có đơn hàng xuất khẩu sang cộng đồng người Việt tại New Zealand, Hàn Quốc. Hiện, đơn vị tập trung hoàn thiện các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, đa dạng thêm các sản phẩm như bún gạo lứt, bún ngũ sắc (củ dền, chùm ngây, bí đỏ, khoai lang, nghệ…) để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo anh Kiều, nếu thời tiết thuận lợi thì có ngày cơ sở sản xuất 400-500kg sản phẩm, với giá bán lẻ 25.000-30.000 đồng/kg tùy loại tại các cửa hàng OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch tại TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý hiện nay ở khâu tiêu thụ là mức độ phụ thuộc vào thương lái vẫn còn rất lớn, ở khâu sản xuất thì phụ thuộc gần như hoàn toàn thời tiết, việc ứng dụng công nghệ tuy có nhưng còn ở mức độ đơn giản.

Thế nên, dù bún được làm từ 100% gạo, không pha thêm tạp chất, đạt chuẩn, không mối mọt, nấm mốc hay bị lẫn tạp chất, bảo đảm vệ sinh và nói không với hóa chất, phụ gia…, nhưng với xu hướng sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng thì các cơ sở sản xuất cần tiếp tục đổi mới, thay đổi tư duy, cải tiến công nghệ, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm mới tạo chỗ đứng lâu dài trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích lớn.

Sự phổ biến ngày càng tăng của bún khô đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương ở Bình Định. Đây là một trong những nguồn thu nhập quan trọng cho người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế cũng như giới thiệu văn hóa và xã hội của cộng đồng địa phương ra xa hơn, bởi sự độc đáo của món ăn này đã thu hút được không ít du khách và những người đam mê ẩm thực tìm mua và thưởng thức.

Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho biết, các sản phẩm tham gia phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh của huyện đang chú trọng khai thác các yếu tố đặc trưng, có tiềm năng phát triển nâng cao, mở rộng. Hiện nay, các sản phẩm địa phương đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì, nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất. Thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là tại địa phương nhưng nay đã được mở rộng, đưa vào đại lý, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa cho biết, công tác phát triển sản xuất sản phẩm làng nghề, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Một số sản phẩm được công nhận đạt chứng nhận VietGAP, công nhận sản phẩm OCOP…

Thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Hoài Ân ngày càng được nhiều người biết đến, tin dùng, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, bộ mặt kinh tế-xã hội ở nông thôn khởi sắc, phát triển, từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu an sinh xã hội cho người dân, đồng thời góp phần vào việc hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch.

Hiện nay, huyện đang xúc tiến, đẩy mạnh công tác xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhất là các sản phẩm làng nghề truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân mạnh dạn tham gia đầu tư, phát triển sản xuất sản phẩm nông sản chủ lực của huyện, gắn với thực hiện liên kết tiêu thụ ổn định, bền vững sản phẩm. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương phát triển.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-san-xuat-san-pham-lang-nghe-post761006.html