Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ

Thời gian qua, huyện Tam Nông đã tập trung chỉ đạo khai thác các lĩnh vực có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh để phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

Các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thị trấn Hưng Hóa bày bán đa dạng chủng loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thị trấn Hưng Hóa giờ có diện mạo như một phố thị sầm uất với hệ thống cửa hàng kinh doanh buôn bán san sát dọc bên đường. Đồng chí Nguyễn Ngọc Kiên - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Trên địa bàn thị trấn hiện có trên 400 cơ sở, hộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ... Đặc biệt, các dịch vụ vận tải được mở rộng, đa dạng về loại hình, quy mô; dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Diện mạo thị trấn ngày càng khởi sắc”.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các ngành thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh về số lượng và năng lực kinh doanh. Hoạt động trao đổi mua bán trên thị trường khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ, Tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng năm bình quân đạt 906 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 12,77%/năm.

Toàn huyện có 14 chợ phân bố ở các xã, thị trấn với bán kính phục vụ trung bình 4km/chợ với các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng... Các chợ được phân bố gần đường giao thông, các khu dân cư tập trung, gần trung tâm xã, thị trấn, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.

Thời gian gần đây, nhiều chợ đã được quy hoạch, xây dựng mới, tạo môi trường kinh doanh, mua sắm khang trang, sạch sẽ như: Chợ Ghềnh, chợ Tứ Mỹ... với quy mô từ 1.000-5.000m2, diện tích bình quân một hộ kinh doanh trên 15m2. Bên cạnh chợ truyền thống, toàn huyện hiện có 2.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể. Nhiều cơ sở kinh doanh đã mở rộng quy mô, thay đổi phương thức bán hàng, thái độ phục vụ để xây dựng uy tín đối với khách hàng và người dân.

Nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, huyện thường xuyên vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng, thế mạnh của huyện. Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Giám đốc Hợp tác xã rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn chia sẻ: “Chúng tôi xác định để tạo dựng thương hiệu thành công, tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng cần phải tích cực truyền thông, quảng bá sản phẩm. Huyện đã tạo điều kiện cho Hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến các tỉnh, thành trong cả nước thông qua các hội chợ thương mại. Nhờ đó, các sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã ngày càng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên”.

Với mục tiêu, để thương mại, dịch vụ trở thành “đòn bẩy”, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và nhân dân nắm các thông tin, kiến thức phát triển thương mại, xúc tiến đầu tư... khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, giao lưu thị trường với các khu vực lân cận; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hưởng các chính sách ưu đãi từ hoạt động thương mại, dịch vụ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hàng hóa thông suốt, giá cả ổn định, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Cùng với đó, tiếp tục quy hoạch xây dựng đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại nông thôn để hoạt động thương mại, dịch vụ phủ khắp các xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/day-manh-phat-trien-thuong-mai-dich-vu/208463.htm