Đẩy mạnh ngăn chặn lao động xuất cảnh trái phép

Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng lao động xuất cảnh trái phép, các cơ quan chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Sau Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm diễn ra các hoạt động xuất cảnh lao động trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó tích cực tư vấn, đào tạo nghề, tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có nhu cầu lao động ở nước ngoài được đi xuất khẩu lao động theo đúng quy định.

Vận động người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép đi lao động tại nước ngoài (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Tiền mất, tật mang khi xuất cảnh lao động trái phép

Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.700 người đang cư trú, lao động trái phép tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chủ yếu ở Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Hàn Quốc…

Để lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh, lao động trái phép tại nước ngoài, các đối tượng sử dụng một số phương thức, thủ đoạn phổ biến như:

Đưa ra lời mời "việc nhẹ lương cao" để đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, ham muốn có được việc làm đem lại thu nhập cao của người lao động, từ đó rủ rê, lôi kéo người đi; lợi dụng mối quan hệ quen biết hoặc sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết quảng cáo, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 19 vụ với 30 bị can về các tội liên quan đến môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép hoặc tổ chức người trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài bất hợp pháp.

Phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức công tác bảo hộ, giải cứu được 53 trường hợp công dân từ Campuchia và Myanmar trở về nước. Phòng ngừa phát hiện 16 vụ, 18 đối tượng chuẩn bị xuất cảnh trái phép.

Tính cả thời gian trước đây, Thanh Hóa đã có tổng hơn 4.500 trường hợp công dân cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài bị bắt, trao trả, đẩy đuổi về nước; 36 trường hợp bị nước sở tại bắt giữ, đưa ra xét xử hình sự về các tội nhập cảnh trái phép, tàng trữ, sử dụng vũ khí...;

Và hơn 100 trường hợp bị các đối tượng là chủ, quản lý sòng bạc, kinh doanh trực tuyến trá hình lừa bán, khống chế, đòi tiền chuộc.

Mới chỉ 16 tuổi và đang theo học tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, H.V.S ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương đã nghe theo lời rủ rê của bạn bè bỏ học rồi xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc mà gia đình không biết.

Thay vì có công ăn việc làm thu nhập ổn định, S đã bị lừa vào một cơ sở đánh bạc trực tuyến, rồi bị ép làm việc cho app lừa đảo.

Công an huyện Quảng Xương tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về xuất, nhập cảnh (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Lo lắng cho con, bố mẹ S đã vay mượn khắp nơi để đưa con về nước. Sau gần 1 năm, gia đình đã phải gửi hơn 120 triệu tiền chuộc cho S để được trả về.

H.V.S cho biết, mới đầu chưa đi thì S. được bảo sang làm game, nhưng khi sang đến nơi thì mới biết công việc là lừa đảo nên em đòi về. Tuy nhiên người ta bắt ký hợp đồng và không cho về, bắt làm việc để trả nợ chi phí đưa sang.

Thời gian làm việc bình thường là 12 tiếng, nhưng nếu không đạt “doanh thu” còn phải làm 14-16 tiếng và bị trừ đến hết tiền lương.

Với trường hợp anh N.V.B ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương lại không được may mắn như H.V.S. Tháng 6/2023, khi vừa sang Trung Quốc thì N.V.B bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép.

Ngoài việc N.V.B bị giam giữ, gia đình anh B còn phải gửi sang nộp phạt 35 triệu đồng và hiện anh đang bị nước sở tại bắt giam chờ ngày đưa ra xét xử.

“Việc phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép gặp nhiều khó khăn, do thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, xảo quyệt.

Tuy nhiên, với nhiều biện pháp quyết liệt của các lực lượng chức năng cùng sự vào cuộc tích cực cấp ủy, chính quyền các cấp, tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để làm việc bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giảm đáng kể…”, Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng An Ninh Đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Nên đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thống

Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương trước kia từng là điểm nóng của tình trạng lao động vượt biên bất hợp pháp sang Trung Quốc sinh sống và lao động bằng đường biển.

Những năm gần đây, UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo và phối hợp với chính quyền xã và lực lượng công an tăng cường công tác tuyên truyền về những hệ lụy của việc xuất cảnh bất hợp pháp, các mức xử phạt của hành vi này.

Đồng thời tuyên truyền, tư vấn các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động với những quyền lợi và mức lương ổn định.

Ông Phạm Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Nham cho biết: “Người dân đã nhận thức được việc xuất cảnh trái phép và lao động bất hợp pháp là vi phạm pháp luật, cộng với việc chứng kiến nhiều trường hợp bị bóc lột, pháp luật nước sở tại xử lý khi phát hiện cư trú và lao động bất hợp pháp.

Trong năm 2023, xã Quảng Nham có 127 trường hợp đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng có thời hạn làm việc tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả Rập... Nhiều lao động có thu nhập cao đã gửi tiền về cho gia đình xây dựng nhà cửa, đầu tư sản xuất phát triển kinh tế ở địa phương”.

Theo thông tin của UBND huyện Quảng Xương, trong năm 2023, trên địa bàn huyện không phát hiện trường hợp nào vượt biên đi lao động trái phép ở nước ngoài, các lao động đi xuất khẩu theo hợp đồng có thời hạn cũng tuân thủ các quy định, không trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Đắc Huân, Phó trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương, cho biết: “Năm 2023, huyện Quảng Xương được giao chỉ tiêu đưa 300 người đi xuất khẩu lao động. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 719 người đã được đi xuất khẩu lao động, đạt 239% so với kế hoạch đề ra.

Để đạt được kết quả này, huyện Quảng xương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giải quyết việc làm trong đó có xuất khẩu lao động để thoát nghèo bên vững. Đây là tín hiệu đáng mừng để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới…”.

Quách Tuấn

Theo kế hoạch đề ra, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài là 6.000 người;

Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 2,65% và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn xuống còn 5,65%; chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó: lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp xuống còn 30,5%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đạt 42,2% và lĩnh vực dịch vụ đạt 27,3%.

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/day-manh-ngan-chan-lao-dong-xuat-canh-trai-phep-20240228164713802.htm