Đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới

Vai trò, vị thế của phụ nữ (PN) trong xã hội được khẳng định; công tác PN và bình đẳng giới được quan tâm; đội ngũ cán bộ nữ chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng; Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) hoạt động hiệu quả; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng tăng... là những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác PN trong tình hình mới.

Phụ nữ dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú (Đồng Văn) bảo tồn nghề thêu truyền thống.

Toàn tỉnh hiện có 175.157 hội viên PN/263.150 PN từ 18 tuổi trở lên. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chú trọng công tác PN với nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, đưa chỉ tiêu về bình đẳng giới và công tác PN vào chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi giúp PN phát triển toàn diện. Trong số 28.290 cán bộ, công chức, viên chức công tác tại khối chính quyền trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 64%. Đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng từ 14% năm 2018 lên 18% năm 2022. Năm 2022 có 1.785 lượt cán bộ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, cập nhật kiến thức; 9 cán bộ nữ giữ chức vụ cấp trưởng, phó các sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh được bổ nhiệm mới; có 9 sở, ban, ngành và 5 HĐND và UBND cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh diện BTV Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, Hà Giang là một trong số ít tỉnh có tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt cao so với hướng dẫn của T.Ư, cụ thể: Tỷ lệ đại biểu nữ HĐND cấp tỉnh đạt 33,33%, cấp huyện đạt 35,68%, cấp xã 33,25%.

Là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN các cấp không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PN và bình đẳng giới; triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động, xây dựng mô hình, đề án hỗ trợ PN phát triển toàn diện như: Đề án 938 của Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ PN tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến PN giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án 939 “Hỗ trợ PN khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Qua đó đạt được nhiều kết quả nổi bật: Toàn tỉnh thành lập 8 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác, 546 tổ “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”, 102 nhóm “Phụ nữ với sản xuất, chế biến sạch”; khai thác, tín chấp các nguồn vốn cho hội viên, PN vay để phát triển kinh tế gia đình từ các tổ chức tín dụng với tổng dư nợ 1.271 tỷ đồng; hỗ trợ 825 PN khởi nghiệp; thành lập 505 tổ truyền thông cộng đồng; ra mắt 109 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, tuyên truyền, đối thoại chính sách, xóa bỏ hủ tục liên quan đến PN và trẻ em gái; vận động, can thiệp hoãn hôn thành công 1.131 cặp tảo hôn, 129 cặp hôn nhân cận huyết thống; trên 11.200 lao động nữ được đào tạo nghề; 655 PN nghèo, cận nghèo tham gia cải tạo vườn tạp. 100% cơ sở Hội lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức 283 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu các cấp Hội với hội viên, PN. Vai trò, vị thế của PN trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PN đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tuy có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng còn thấp và chưa đồng đều; nhiều cơ quan chưa có nữ lãnh đạo quản lý; tỷ lệ nữ giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện, xã còn thấp; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới còn hạn chế; khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại, đặc biệt là PN sinh sống tại vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ chưa chủ động.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp chia sẻ: “Tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị số 21 vào điều kiện thực tế của địa phương, hướng đến xây dựng người PN Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các cấp Hội tập trung một số giải pháp trọng tâm: Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của T.Ư, của tỉnh về công tác PN; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, công tác PN bằng nhiều hình thức; xây dựng các mô hình tiêu biểu; chú trọng phát triển đảng viên nữ; phát huy vai trò, chức năng phản biện xã hội; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp; tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh toàn diện”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202307/day-manh-cong-tac-phu-nu-trong-tinh-hinh-moi-26b1e33/