Đẩy mạnh chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt

Để đẩy mạnh việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không dùng tiền mặt cho các chủ rừng thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh không ngừng hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ các chủ rừng trong công tác mở tài khoản ngân hàng. Qua đó không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính cũng như nâng cao chất lượng trong việc quản lý và sử dụng tiền DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giúp người dân xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) hoàn thiện các thủ tục mở tài khoản ngân hàng.

Nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng của bản Nậm Pắt, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) được hưởng tiền DVMTR khá cao, trung bình mỗi hộ sẽ được nhận từ 18-20 triệu đồng/năm. Nếu không có tài khoản ngân hàng, năm nào bản cũng phải cử người và sắp xếp thời gian lên xã theo lịch để nhận chi trả tiền DVMTR. Thế nhưng những năm gần đây, tiền DVMTR được chuyển vào tài khoản ngân hàng nên người dân đỡ vất vả hơn. Trưởng nhóm khoán bảo vệ rừng đặc dụng của bản Nậm Pắt Lỳ Tư Xè chia sẻ: “Trước đây, đơn vị chủ rừng cung ứng DVMTR trả tiền mặt trực tiếp cho cộng đồng bản không qua tài khoản ngân hàng, gây mất nhiều thời gian, tiềm ẩn rủi ro đến việc trả tiền DVMTR. Nhưng nay, dân bản được nhận tiền qua tài khoản thì đã nhàn và nhanh hơn rất nhiều”.

Trước những thuận lợi mà việc chi trả tiền DVMTR mang lại, đầu tháng 12/2023, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tiến hành hỗ trợ các chủ rừng trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ mở tài khoản ngân hàng. Trong đó, một số xã, phường vẫn còn các chủ rừng chưa mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền DVMTR, như: Mường Phăng (8 chủ rừng), Thanh Minh (19 chủ rừng), Him Lam (38 chủ rừng), Tân Thanh (29 chủ rừng), Thanh Trường (8 chủ rừng) và Nam Thanh (18 chủ rừng).

Các chủ rừng ủng hộ chủ trương chi trả tiền DVMTR qua tài khoản và luôn tích cực tuần tra, bảo vệ diện tích rừng nhận khoán.

Ngay từ sáng sớm, chị Lò Thị Hoa, bản Tà Lèng đã có mặt tại trụ sở UBND xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) để nhận tiền chi trả DVMTR và làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng. Số tiền nhận được không nhiều nhưng do chưa mở tài khoản nên chị Hoa phải nhận tiền trực tiếp. Chị Hoa tâm sự: “Gia đình tôi nhận khoán bảo vệ hơn 1ha rừng, đến nay đã được nhận tiền DVMTR rồi. Vì diện tích nhận khoán ít nên số tiền được nhận đợt này cũng không nhiều lắm, nhưng vì chưa mở tài khoản nên tôi phải đến xã để ký nhận. Để thuận tiện hơn, tôi đã làm thủ tục nhờ cán bộ Quỹ mở tài khoản giúp. Như vậy, từ lần sau sẽ không phải đi lại vất vả nữa”.

Cũng giống như chị Hoa, ông Lầu Quốc Di, bản Kê Nênh (xã Thanh Minh) có mặt tại UBND xã nhận tiền DVMTR cũng bày tỏ: “Để mở tài khoản ngân hàng chi trả DVMTR, chúng tôi chỉ cần có chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân kèm quyết định giao đất, giao rừng là được. Nếu không có sai sót gì thì cán bộ giúp đỡ làm cũng đơn giản, không phức tạp lắm đâu. Sau này có tài khoản ngân hàng rồi thì tôi cũng như dân bản không còn phải ra tận xã để ký nhận tiền nữa”.

Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới, nằm ở lưu vực đầu nguồn 3 hệ thống sông lớn, gồm: Sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Hệ thống sông này cung cấp nước cho 3 nhà máy thủy điện lớn là: Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. Đến nay, tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR toàn tỉnh là 404.436,917ha, trong đó có 316.942,807ha rừng đã có đối tượng chi trả; còn khoảng 87.490ha rừng chưa xác định được đối tượng chi trả. Về việc triển khai chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt, đến nay toàn tỉnh còn 733 chủ rừng chưa mở tài khoản, trong đó Tuần Giáo (63 chủ rừng), Mường Chà (130 chủ rừng), Nậm Pồ (67 chủ rừng), Điện Biên (229 chủ rừng), Điện Biên Đông (64 chủ rừng), Tủa Chùa (77 chủ rừng) và thành phố Điện Biên Phủ (103 chủ rừng). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các chủ rừng chưa mở tài khoản ngân hàng là do chủ rừng chết, đi làm xa, số tiền DVMTR nhận hàng năm ít… Trước thực tế đó, nhằm giúp người dân thuận tiện hơn trong việc nhận tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luôn quan tâm đôn đốc, hỗ trợ các chủ rừng mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR. Nhờ vậy, chỉ tính riêng năm 2023, Quỹ đã mở thêm 730 tài khoản cho 730 chủ rừng; nâng số lượng chủ rừng đã mở tài khoản 4.115/4.848 chủ rừng (lũy kế tính đến ngày 29/11/2023). Thông qua các tài khoản ngân hàng đó, trong năm, đơn vị đã thực hiện chi trả nguồn tiền năm 2022 cho các chủ rừng với số tiền hơn 257 tỷ đồng. Trong đó chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử 256,8 tỷ đồng; chi trả bằng tiền mặt 213 triệu đồng. Đặc biệt là việc chi trả qua tài khoản đã đạt 99,9% so với tổng số tiền DVMTR đã chi trả.

Viên chức và nhân viên bảo vệ rừng Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé tuyên truyền về những tiện ích của việc chi trả DVMTR qua tài khoản cho người dân trên địa bàn.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Năm 2023, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn đã đạt được kết quả nhất định. Quỹ đã thực hiện rà soát, xác định diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR năm 2022 gần 316.960ha. Đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR nộp tiền về Quỹ theo quy định với tổng nguồn thu tiền DVMTR đạt trên 130 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Quỹ đã thanh toán tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử cho 3.957 chủ rừng với số tiền trên 257 tỷ đồng. Tổ chức 02 đợt tập huấn về chính sách chi trả DVMTR cho chủ rừng, 01 lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, Ban điều hành Quỹ và các đơn vị liên quan. Công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm nâng cao nhận thức của bên cung ứng, bên sử dụng DVMTR và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng…

Những tiện lợi, nhanh chóng khi chi trả qua tài khoản đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chủ rừng. Vì lẽ đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã và đang nỗ lực hỗ trợ các chủ rừng còn lại mở tài khoản ngân hàng. Sự cố gắng đó sẽ không chỉ góp phần thực hiện theo chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, mà còn giúp người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán của ngân hàng trong quản lý và sử dụng tiền DVMTR; qua đó tiếp thêm động lực cho người dân yên tâm gắn bó với rừng.

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/moi%20truong%20rung/212569/day-manh-chi-tra-tien-dvmtr-khong-dung-tien-mat