Đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản trái phép

Trong thời gian qua, một số ngư dân, chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An có những hành vi khai thác hải sản trái phép. Điều đó không chỉ tác động tiêu cực đến tài nguyên môi trường, tình hình an ninh trật tự trên biển, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản nước ta. Trước tình hình đó, BĐBP Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đẩy lùi hoạt động này.

Cán bộ Đồn Biên phòng Diễn Thành, BĐBP Nghệ An tịch thu tang vật liên quan đến hành vi khai thác hải sản trái phép. Ảnh: Lê Thạch

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 3.484 tàu cá với trên 18.000 lao động làm nghề biển. Nhìn chung, trong quá trình lao động sản xuất trên biển, ngư dân của địa phương luôn nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận ngư dân vì lợi nhuận trước mắt nên cố tình tổ chức, tham gia các hoạt động khai thác hải sản trái phép. Nổi lên như việc sử dụng thuốc nổ, xung điện, đánh bắt sai tuyến, vi phạm vùng biển nước ngoài...

Để đẩy lùi hoạt động này, UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các công tác, trọng tâm là chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương, BĐBP đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, đặc biệt là Luật Thủy sản 2017, các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành. Thường xuyên giám sát tàu cá ra, vào cửa lạch, cảng cá; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài trên 24m của ngư dân tỉnh Nghệ An đã được lắp hệ thống giám sát hành trình. Ông Trần Như Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An cho biết: “Từ khuyến cáo của cơ quan chức năng, Chi cục Thủy sản tỉnh chú trọng đến việc nâng cấp trạm bờ giám sát tàu cá. Đồng thời, chỉ đạo việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tổ chức thực thi pháp luật trên biển, giám sát chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc thủy sản... ”.

Cùng với chính quyền và các lực lượng khác, trong thời gian qua, BĐBP Nghệ An cũng triển khai nhiều biện pháp sát với tình hình thực tế. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị tuyến biển bám sát địa bàn, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Cụ thể, vận động các chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, ký cam kết không sử dụng các ngư cụ bị cấm trong khai thác hải sản, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Đã có hàng trăm buổi tuyên truyền được tổ chức với các hình thức, nội dung phong phú, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhân dân.

Ông Cao Văn Ba, chủ tàu cá có công suất 822CV, trú tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Được sự vận động của chính quyền địa phương và BĐBP, tôi đã đầu tư 28 triệu đồng để lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá. Ngoài chức năng kết nối với trạm bờ, thiết bị này còn có chức năng báo khẩn cấp hoặc hiển thị các thông tin về thời tiết nguy hiểm để ngư dân kịp thời ứng phó. Nhờ có thiết bị giám sát, chúng tôi xác định được ranh giới vùng biển nước ta và các nước láng giềng. Đặc biệt, người ở đất liền chỉ cần mở điện thoại sẽ biết tàu đi những đâu, đánh cá ở khu vực nào trên biển”.

Thời gian gần đây, trong một chuyến đi biển, ngư dân Trần Văn Trung, trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã bắt được một con đồi mồi có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam. Biết tin, một số người đã tìm đến nhà ông Trung để hỏi mua. Tuy nhiên, nhờ được tuyên truyền, ông Trung hiểu được loài vật này đang có nguy cơ tuyệt chủng và cấm mua bán dưới mọi hình thức nên đã bàn giao cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy để thả về biển theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với các biện pháp tuyên truyền, vận động, BĐBP Nghệ An cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp. Quá trình triển khai nhiệm vụ trên biển, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị gặp phải không ít khó khăn do sự chống đối quyết liệt của các đối tượng vi phạm. Điển hình, ngày 9-6, trong lúc tuần tra, kiểm soát khu vực bờ biển xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, tổ công tác của Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã phát hiện 1 tàu cá không có biển kiểm soát, sử dụng kích điện đánh bắt hải sản. Khi cán bộ, chiến sĩ tiếp cận để xử lý thì ông Trần Văn Dũng, sinh năm 1965, hộ khẩu thường trú tại xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (chủ tàu và cũng là người điều khiển phương tiện) có hành vi chặt lưới bỏ chạy, sử dụng bình gas để chống trả, cố tình đâm vào ca nô lực lượng thực thi pháp luật. Sau đó, ông Dũng cùng các thuyền viên nhảy xuống biển bơi vào bờ, bỏ lại phương tiện vi phạm. Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã hoàn tất các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ tính trong tháng 6-2020, trong quá trình tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, các đơn vị BĐBP Nghệ An đã phát hiện, xử lý 39 phương tiện có hành vi khai thác hải sản trái quy định của pháp luật. Trong đó, nổi lên là các hành vi: Phương tiện không có số hiệu, giấy phép khai thác thủy sản, tàng trữ, sử dụng công cụ khai thác thủy sản bị cấm... Căn cứ quy định của pháp luật, các đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các chủ phương tiện, nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 260 triệu đồng và tịch thu các tang vật vi phạm.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/day-lui-hoat-dong-khai-thac-hai-san-trai-phep-post430675.html