Đáy khủng hoảng kinh tế vẫn ở phía trước

Bất chấp một số dấu hiệu lạc quan, các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi "thận trọng" vì kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi đáy suy thoái.

Mặc dù một số chỉ số đang củng cố cho triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới vẫn kêu gọi "thận trọng" vì kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi đáy suy thoái. Đức, Nhật Bản và Mỹ đều được đánh giá là đang ở gần đáy suy thoái. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, số người xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone và nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, sản lượng và đơn đặt hàng ngành công nghiệp tăng trong tháng 5 và 6, gây bất ngờ cho giới phân tích. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, từ 6,5% lên 7,5% trong năm nay, đồng thời cũng điều chỉnh nâng dự đoán tăng trưởng GDP của cả hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Nhật Bản. Đó là những thông tin tốt lành. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây cho biết, các nhà lãnh đạo G8 đều nhất trí rằng sự phục hồi kinh tế hoàn toàn còn rất xa đối với nhóm này. Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra ở Italia mới đây, ông Obama nói: "G8 thống nhất rằng sự phục hồi đầy đủ vẫn còn rất xa chúng tôi, và còn quá sớm để bắt đầu khép lại các kế hoạch kích thích kinh tế". Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy cũng khẳng định rằng tình trạng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng xét về mặt xã hội vẫn chưa xảy ra, có nghĩa là sự tồi tệ nhất của khủng hoảng xét về khía cạnh chính trị còn ở phía trước. Sự phục hồi chưa đầy đủ cũng đã được nhận định bởi hai tổ chức có trụ sở tại Pari (Pháp) là Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). IEA nhận xét: "Trong hai tuần qua, tâm trạng lạc quan đã thay đổi đột ngột khi nhiều chỉ số kinh tế và năng lượng hàng đầu tiếp tục thể hiện những dấu hiệu ảm đạm". Dù vậy, OECD cũng thông báo rằng một vài nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cho thấy những dấu hiệu cải thiện trong tháng 5, làm gia tăng các cơ hội phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đối với nhiều nhà phân tích, "tín dụng" là nhân tố chủ chốt giúp quyết định mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Các nhà kinh tế của hãng nghiên cứu UniCredit nhận định: "Triển vọng tín dụng là mối đe dọa lớn, có thể đẩy đà phục hồi yếu ớt mà chúng ta đang mong đợi vào một cơn ác mộng tín dụng tồi tệ nhất". Còn nhà kinh tế Thorsten Polleit, thuộc hãng Barclays Capital, thì nhận xét rằng tín dụng đang cạn kiệt và các luồng tín dụng khó có thể lại tiếp tục tuôn chảy dễ dàng trên toàn cầu như hai năm trước - một hiện tượng được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng tài chính-kinh tế hiện nay. Sự kết thúc của bùng nổ tín dụng về cơ bản sẽ làm thay đổi cấu trúc sản xuất của các nền kinh tế chủ chốt. Bộ trưởng Tài chính Đức cũng cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra tình trạng khan hiếm tín dụng vào cuối năm nay và "chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với những giai đoạn khó khăn và cần phải hành động thật sớm". Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ đầu tư 60 tỷ euro (84 tỷ USD) vào trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro thấp, nhằm thúc đẩy tài chính doanh nghiệp và đảm bảo nguồn tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế châu Âu. Nhờ các khoản vay và cứu trợ tài chính từ chính phủ và ngân hàng trung ương, hệ thống ngân hàng thế giới hiện đã khá hơn so với thời điểm sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ hồi giữa tháng 9/2008. Song, lượng tiền mặt đến tay các doanh nghiệp vẫn còn quá ít ỏi. Nhà kinh tế Gilles Moec nói: "Hiện vẫn chưa rõ các gói kích thích tiền tệ sẽ được chuyển cho người tiêu dùng và các nhà đầu tư như thế nào". Theo ông Moec, nhân tố phục hồi chủ chốt thứ hai là các chính phủ quản lý các gói kích thích như thế nào để ngăn chặn cuộc suy thoái hiện nay trở thành một cuộc đại suy thoái. Theo ông Moec, nếu cả hai cách này đều có khuyết điểm, thì đây sẽ là thông tin xấu. Ông Moec cũng cho rằng điều rất quan trọng là các biện pháp kích thích của chính phủ phải được thay thế bằng tăng trưởng bền vững từ bên trong hệ thống kinh tế. Tuy nhiên, sự phục hồi toàn cầu chắc chắn sẽ diễn ra, cho dù hầu hết giới phân tích sử dụng những từ như "mảnh mai, vừa phải" hoặc "nhẹ" để miêu tả nó. Nhà kinh tế Ralf Wiegert của hãng tư vấn IHS Global Insight đánh giá rằng tại Đông Âu, khu vực đã phải viện đến sự hỗ trợ tài chính của thế giới hồi năm ngoái, nguy cơ xuất hiện các cú sốc rõ ràng đã dịu bớt trong 3 tháng qua. Theo chuyên gia này, một số nền kinh tế như Ba Lan hiện đã cải thiện hơn./. (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/day-khung-hoang-kinh-te-van-o-phia-truoc/20097/12205.vnplus