Dạy, học văn và những 'sức ỳ' nguy hiểm

Trong một hội thảo về đổi mới dạy học Ngữ văn diễn ra gần đây, TS Đặng Lưu - Khoa SP Ngữ văn (Trường ĐH Vinh) đã nhắc đến một lực cản lớn, cản trở công cuộc đổi mới dạy học Ngữ văn trong bối cảnh hiện nay, đó là sức ỳ nảy sinh ngay trong những bước ngoặt quan trọng.

Cách thức đào tạo giáo viên

TS Đặng Lưu cho rằng, trong việc đổi mới bộ môn Ngữ văn ở trường phổ thông, việc đào tạo sinh viên ngành Sư phạm là một mắt xích vô cùng quan trọng.

Sản phẩm được tạo ra từ những "máy cái" này nếu không đạt chuẩn, thì mọi ý tưởng dù mới mẻ, hay ho đến đâu, cũng không bao giờ trở thành hiện thực.

Chưa đề cập đến những nguyên nhân khách quan như chất lượng đầu vào, bối cảnh xã hội, những khó khăn của sinh viên khi ra trường,..., theo TS Đặng Lưu, chỉ nhìn vào chương trình và cách thức đào tạo của các khoa Sư phạm Ngữ văn trong nước cũng có thể thấy có điều bất ổn.

Các giáo trình phương pháp vừa thiếu, vừa chưa theo kịp yêu cầu của sự thay đổi.

Chẳng hạn, việc thay sách giáo khoa môn Văn (sau đó có tên là Văn học, Ngữ văn) diễn ra đã bao nhiêu lần, vậy mà để học môn Phương pháp dạy học tiếng Việt, sinh viên vẫn chỉ có trong tay cuốn giáo trình được biên soạn từ gần vài chục năm trước, tái bản đến hơn chục lần, một số nội dung của nó chẳng ăn nhập gì với chương trình và sách giáo khoa hiện hành.

Đã thế, thời gian học nghề của sinh viên sư phạm cũng rất hạn hẹp. Một số môn chung và các môn khoa học cơ bản đang lấn át các môn gắn với đào tạo nghề dạy học.

Đặc biệt, công tác thâm nhập tìm hiểu thực tế ở phổ thông và công tác thực tập sư phạm vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

TS Đặng Lưu nhấn mạnh: Cần phải thấy rằng, sinh viên thâm nhập, nghiên cứu thực tế dạy học ở các trường phổ thông không chỉ để học tập các chiêu thức, những kinh nghiệm hay trong nghề nghiệp, mà còn phải nắm bắt những bất cập về phương pháp để có ý thức hơn trong việc chuẩn bị hành trang vào nghề.

Thời gian thực tập quá ít ỏi, cách tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm lại mang tính hình thức, thử hỏi làm sao có thể nâng cao chất lượng dạy nghề thông qua công việc thực tập cho sinh viên?

Giảng viên này trăn trở: Quan sát việc tập giảng cũng như các cuộc thi giảng môn Ngữ văn của của sinh viên, có thể thấy, thế hệ hôm nay dễ dẫm lại dấu chân mà các thế hệ trước từng đi, tức là cách dạy học vẫn cũ kỹ, thiếu tính sáng tạo.

Sinh viên quá chú ý đến nội dung mà ít quan tâm đến phương pháp. Chỉ sợ dạy sai, dạy thiếu kiến thức mà không sợ lạc hậu về cách thức dạy học…

“Đó thực sự là những trở lực trên con đường đổi mới môn Ngữ văn ở trung học phổ thông. Nếu xem đó là sức ỳ, thì sức ỳ này là không nhỏ” - TS Đặng Lưu nhấn mạnh.

Sức ỳ từ giáo viên

Việc đổi mới môn Ngữ văn hiện nay đang đặt gánh nặng lên vai đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp. Mọi ý tưởng của các nhà khoa học, mọi chủ trương của các nhà quản lý, hiệu quả sự vận hành của một bộ máy giáo dục... tất cả phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ giáo viên. Bởi vậy, những sức ỳ từ chính người trực tiếp giảng dạy trở nên thực sự nguy hiểm.

Sức ỳ của giáo viên trước hết xuất phát từ trình độ. Sức ỳ còn được tạo nên bởi lối dạy học theo kinh nghiệm, theo thói quen và sự ỷ lại những tài liệu có sẵn.

TS Đặng Lưu nói: Kinh nghiệm là đáng quý. Nhưng kinh nghiệm chỉ phát huy được hiệu quả khi nó đồng hành với sự phát triển của tri thức, của khoa học.

Ngược với điều đó, kinh nghiệm chỉ còn là những định kiến, không có khả năng thích ứng, thậm chí cản trở sự thay đổi.

Ở nhà trường phổ thông hiện nay, những giáo viên dạy Văn có năng lực không phải đã hoàn toàn vắng bóng. Có những người thẩm văn tinh, giảng văn truyền cảm.

Nhưng trong dạy học, những ưu thế đó có thể được phát huy quá mức: Thầy giảng say sưa như một diễn viên độc diễn trên sân khấu, trò như bị thôi miên.

Nếu trước đây, cách dạy Văn như thế dễ được đánh giá cao, thì hiện nay, lối dạy ấy không còn phù hợp. Nó biến học sinh thành những khán giả thụ động, các em được "bao cấp" về cảm thụ, nhu cầu tự mình khám phá các giá trị từ văn bản bị triệt tiêu.

“Tiếc thay, những giáo viên có khả năng "diễn xuất" thuần thục như vậy ít khi tự nhận sự lạc hậu trong phương pháp dạy học của mình, do đó, những ưu thế vốn có bỗng nhiên trở thành một thứ sức ỳ ngăn cản sự đổi mới của chính họ” - TS Lưu trăn trở.

Mối hiểm nguy từ “thế bản”

Trong bài viết "Trở về với văn bản - con đường đổi mới căn bản phương pháp dạy học Văn", GS. Trần Đình Sử đã cảnh báo một thực trạng: Trong dạy học Ngữ văn hiện nay, giáo viên thường dùng "thế bản" thay cho việc tìm hiểu văn bản.

"Thế bản" là bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình về tác phẩm, những cuốn sách thiết kế bài dạy trong chương trình, và sẵn hơn cả là nguồn giáo án vô tận trên mạng internet.

Một thực tế được TS Đặng Lưu đưa ra là” Thay vì xem các bài viết về tác phẩm chỉ là những tài liệu cần tham khảo thêm để mở rộng kiến Văn, nhằm tổ chức cho học sinh đọc hiểu văn bản một cách khoa học, thì với nhiều giáo viên, các thế bản kia là những "cẩm nang", thậm chí họ đã "vi phạm bản quyền" bằng cách biến nó thành giáo án dạy học của chính họ.

Cách làm này đưa đến hệ quả rất tai hại: Người giáo viên tự thủ tiêu những cảm xúc tự nhiên của mình và của học sinh trước một tác phẩm, áp đặt cách hiểu của một tác giả nào đó cho nhiều đối tượng.

Giờ đọc hiểu vì thế đã bị biến tướng, không còn đáp ứng những đỏi hỏi của một cách dạy học mới trong môn Ngữ văn. Thực trạng nêu trên giờ đây đã hết sức phổ biến, và nó thực sự là một vấn nạn, một khối sức ỳ khổng lồ khiến cho việc giải tỏa không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/day-hoc-van-va-nhung-suc-y-nguy-hiem-265508-v.html