Dạy - học thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình việc đưa hoạt động dạy, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hoạt động dạy học tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Các ý kiến đồng thời cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra cơ chế, chính sách, còn việc quản lý phải do chính quyền địa phương cùng chung sức vào cuộc.

Hạn chế hoạt động dạy thêm tự phát

Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), dạy, học thêm, hay các nguyện vọng được học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế. Trong quá trình đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, hoạt động này có nhiều hình thức tổ chức khác nhau.

“Là người trong ngành, theo tôi nên đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo cơ sở pháp lý từ đó có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý việc dạy, học thêm ngoài nhà trường. Tôi không đồng tình việc dạy, học thêm ép buộc, tràn lan; nhưng đồng tình việc dạy và học thêm hợp lý”, thầy Dũng nêu quan điểm và cho rằng:

Trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, nhiều năm nay có hiện tượng dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Học sinh học yếu phải học thêm đã đành, học giỏi cũng học thêm. Nhiều em quay cuồng, mệt mỏi, không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cần thiết, ảnh hưởng tới tâm sinh lý… Học thêm do nhu cầu của chính học sinh, sức ép từ bố mẹ đều có. Học thêm tràn lan, quá mức cần thiết; hoặc bị (bố mẹ, thầy cô) ép buộc là mặt trái của việc dạy và học thêm.

Đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, sẽ giúp quản lý tốt hơn, hạn chế hoạt động dạy thêm tự phát và tránh được ảnh hưởng xấu đến học sinh. Học thêm hợp lý giúp các em ôn tập, bổ trợ, củng cố kiến thức cơ bản và có kiến thức nâng cao một cách phù hợp; rèn kỹ năng làm và trình bày bài mà thời lượng chính khóa có thể chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, cần quản lý, tổ chức và tiêu chí rõ ràng, đầy đủ, minh bạch về các quy định khi dạy thêm được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi đó, dạy, học thêm sẽ phát huy mặt tích cực, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hơn nữa, giáo viên được phát huy năng lực, chuyên môn để tạo ra thu nhập chính đáng.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) khẳng định đồng ý đưa hoạt động dạy, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ GD&ĐT đưa ra cơ chế chính sách; còn việc quản lý phải do chính quyền địa phương cùng chung sức vào cuộc. Để sao cho các quy định phải phù hợp, tạo hành lang bảo đảm dạy thêm được quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả.

“Phụ huynh học sinh thực sự bức xúc với việc dạy thêm không tự nguyện, giáo viên bớt kiến thức trên lớp để đưa vào lớp dạy thêm ngoài giờ. Điều này đáng lên án và cần phải cấm”, thầy Nguyễn Minh Đạo nhấn mạnh.

Ảnh minh họa ITN.

Trị tận gốc dạy - học thêm trái quy định

Học thêm là cần thiết với học sinh có nhu cầu. Về phần thầy cô, để thu hút học sinh phải nghiên cứu, đầu tư bài giảng tốt hơn. Vậy nên bản chất dạy, học thêm không xấu nếu đó thực sự xuất phát từ nhu cầu người học. Tuy nhiên, quan trọng là quản lý dạy thêm thế nào để hạn chế tiêu cực.

Nói điều này, thầy Nguyễn Minh Đạo cho rằng, trước hết nhà trường phải quán triệt Chương trình GDPT năm 2018. Đó là giáo dục để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không phải dạy học theo kiểu “trả bài”, hay “học tủ” để có điểm cao. Bộ GD&ĐT cần cải tiến giảm tải thi cử, chú trọng đánh giá học sinh qua quá trình học tập. Khi áp lực các kỳ thi giảm, kéo theo dạy, học thêm giảm và không còn căng thẳng. Học thêm lúc đó sẽ dành cho những học sinh có nhu cầu thực sự.

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục, theo ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, để xử lý những tiêu cực của dạy, học thêm, trước hết chúng ta phải kiên trì theo đuổi mục tiêu đổi mới giáo dục. Đó là lấy trọng tâm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học là hướng đi cho các nhà trường; không chỉ coi trọng dạy kiến thức cho học sinh.

Cùng đó, tăng cường trải nghiệm, đổi mới cách dạy và học để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh mà không vì mục tiêu điểm số. Dạy, học thêm ở Việt Nam thực chất là tăng cường kiến thức để tăng điểm số, vượt qua các kỳ thi. Đây là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh thành tích trong trường học.

“Tăng cường quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng học tập thông qua trải nghiệm, học tập gắn với thực tế cuộc sống tại cơ sở giáo dục vô cùng quan trọng. Cùng đó, chú trọng hơn giáo dục sức khỏe tâm thần, xây dựng trường học hạnh phúc, tránh phụ thuộc vào học thêm, khiến học sinh mất hứng thú học tập và triệt tiêu động lực.

Ngoài ra, không thể thiếu quan tâm đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục, nhất là vùng khó khăn; đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục. Đặc biệt, cải thiện chính sách tiền lương cho giáo viên để họ sống được bằng nghề dạy học”, ông Đặng Tự Ân cho hay.

Với phụ huynh, ông Đặng Tự Ân cho rằng, phải nhận thức việc học tập của con em cần thay đổi như thế nào để có lợi cho cuộc sống sau này. Nếu học thêm vì mục tiêu điểm số, chỉ ghi nhớ thêm kiến thức thì điều này không quan trọng bằng việc trau dồi tư duy sáng tạo, nâng cao mọi mặt phát triển nhân cách.

“Công bằng mà nói, dạy, học thêm dù ở góc độ nào đó giúp học sinh nâng cao điểm số, nhưng tăng áp lực kinh tế lên gia đình và không đạt được mục tiêu giáo dục đổi mới. Cần xử phạt nặng các trường hợp vi phạm về dạy, học thêm. Trên thực tế, có quốc gia phạt tới hàng trăm triệu đồng, thông báo công khai danh tính giáo viên vi phạm quy định dạy, học thêm”, ông Đặng Tự Ân cho hay.

Tổ chức UNESCO gọi hoạt động dạy, học thêm là “giáo dục ngoài luồng”. Chính xác hơn, giáo dục ngoài luồng (Shadow Education - SE) là “thuật ngữ nhằm chỉ việc phụ đạo cho các môn học chính, có thu phí và được tổ chức ngoài giờ học chính khóa tiêu chuẩn của Nhà nước”. Điều đó được hiểu là giáo dục “ngoài luồng” như “cái bóng” song hành của giáo dục chính khóa trong các nhà trường. - Ông Đặng Tự Ân (Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam)

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-them-xuat-phat-tu-nhu-cau-thuc-te-post662802.html