Dạy con ý nghĩa Ngày Phụ nữ Việt Nam

GD&TĐ - Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10 là một ngày hết sức trọng đại đối với phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, đặc biệt là các “quý cô”, “quý bà” trong gia đình tôi.

Đây là dịp để phái mạnh bày tỏ những quan tâm, yêu thương dành cho phái yếu. Tôi cũng không là trường hợp ngoại lệ, dành hết buổi tối của ngày này để sum họp cùng vợ con: ăn tối, trò chuyện, chơi đùa... Thế nhưng đáng buồn thay, không phải năm nào vào ngày 20/10 gia đình tôi cũng có được hạnh phúc trọn vẹn.

Cứ đến Ngày Phụ nữ, tôi biết bổn phận mình làm chồng, làm cha nên dù bận rộn cách mấy cũng dành chút ít thời gian mua những món quà để tặng vợ và hai cô con gái. Những năm còn nhỏ tuổi, hai nàng công chúa rất đáng yêu, tặng gì cũng thích, cũng cám ơn rối rít. Nhưng những năm gần đây, các con ngày càng trưởng thành, học theo lối sống đua đòi của giới trẻ ngày nay nên cứ định giá quà tặng ra mặt, so sánh thiệt hơn, chê khen đủ điều. Cụ thể là năm vừa rồi. Nghe con nói thích túi xách da, tôi mua hai cái tặng, vậy mà chúng trề môi, nhăn nhó, cho là túi xách này lỗi thời, đường chỉ may không khéo, da xấu, hàng sale off…

Chưa hết, hai cô công chúa còn trách cứ anh trai của mình không biết thể hiện bản lĩnh đàn ông, không biết ga lăng, mua chỉ có hai cành hồng không đáng giá, thua bạn bè trong lớp tặng. Thằng anh trai bực mình, phán lại một câu kém tế nhị: “Tụi bây là em tao, mua cho cái gì thì nhận cái ấy. Có quà là may phước rồi nghen cưng. Liệu hồn, năm sau không có một bông hoa dại, nói chi hoa hồng, hoa tulip”. Trong khi đó, bà vợ tôi thì chê lọ nước hoa mà tôi tặng không phải là hàng ngoại chính hiệu, rẻ tiền và không thơm dai. Nàng còn bắt tôi phải mang hàng đã mua ra đổi lại cái khác mới chịu. Thấy tình hình không ổn, tôi phải “vào cuộc”. Phải mất gần hai giờ đồng hồ tôi mới “thanh lý nội bộ” xong.

Người đầu tiên tôi phê bình là bà vợ. Không nên làm gương xấu cho con khi khen chê đủ điều về món quà mà người khác tặng cho mình. Dù quà đó có tốt hay xấu, đắt tiền hay rẻ tiền, tân thời hay lỗi mốt… thì đều là tấm lòng, thành ý mà chủ nhân của nó dành tặng. Rồi tôi quay sang kiểm điểm hai cô con gái, không được a dua theo mẹ mà chê khen đủ điều.

Và càng tuyệt đối không được có thái độ kém lễ phép đối với anh mình chỉ vì chút ít quà tặng. Đến lượt thằng con trai, tôi yêu cầu từ đây không được nói chuyện cộc lốc với các em, không được nói kiểu thách thức, uy hiếp và thiếu trách nhiệm. Người cuối cùng tôi “kể tội” chính là tôi. Vì quá yêu thương vợ con, chiều chuộng hết mình, mua những món quà giá trị nên mới xảy ra cớ sự này. Nếu từ cái thuở ban đầu, tôi tập cho vợ con tính tiết kiệm bằng cách tặng những món quà có giá trị đề cao tình cảm như hoa hồng, lời chúc, tấm thiệp… thì không có tình trạng như hôm nay.

Nghe tôi nói xong, ai cũng nhận ra khuyết điểm của mình và hứa từ đây sẽ sửa sai triệt để. Tôi không biết chắc có sửa được hoàn toàn hay không, nhưng ít ra tiếng nói của tôi cũng có giá trị, mọi người cũng hiểu ra mình đã sai chuyện gì… Mong rằng những gia đình khác đừng giống như nhà tôi, làm mất đi nét đẹp vốn có của Ngày Phụ nữ Việt Nam. Quà tặng là điều hết sức cần thiết trong những ngày này, nhưng không vì thế mà làm cho nó “biến tướng” đi bằng những món quà có giá trị, lấn áp đi tấm lòng vô giá. Tình cảm gia đình không thể cân đo đong đếm bằng vật chất mà bằng sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/day-con-y-nghia-ngay-phu-nu-viet-nam-2439223-b.html