Đầu tuần tang tóc của Đông Nam Á: Thảm họa diễn ra khắp nơi

Đây có thể là tuần lễ thương đau nhất trong năm của Đông Nam Á. Bởi, ngay từ đầu tuần, hàng loạt tin tức thảm họa tràn ngập khắp các mặt báo, từ Việt Nam cho đến Myanmar.

Bão lụt đang nhấn chìm miền Trung.

Thảm khốc nhất chắc chắn là Việt Nam, tính đến 17h ngày 16/10 đã có 25 người chết do mưa lũ ở miền Trung, tăng 10 người so với ngày 15/10. Trong đó, Nghệ An 02 người, Hà Tĩnh 03 người, Quảng Bình 18 người, Huế 02 người. 4 người mất tích (giảm 5 người so với ngày 15/10), trong đó, Hà Tĩnh 01 người, Quảng Bình 03 người. Ngoài ra, mưa lũ còn khiến 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 03 người, Huế 02 người). Hơn 130.000 ngôi nhà bị ngập, tốc mái, hư hỏng; hàng ngàn ha lúa, hoa màu bị nhấn chìm trong nước; nhiều điểm giao thông, đường xá, thôn, bản bị chia cắt bởi nước lũ...

Mặc dù chính phủ Việt Nam đã cảnh báo trước, song tình hình mưa lũ lên quá nhanh, cộng với một vài địa phương xả lũ không thông báo cụ thể, khiến tình trạng thương vong nhiều hơn dự đoán. Tuy nhiên, chắc chắn đây chưa phải là con số đau thương nhất ở tuần này, vì ngoài khơi Việt Nam vẫn còn 2 cơn bão đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền là bão số 7 – Sarika cùng siêu bão Haima.

Lực lượng chức năng của Myanmar đang giải quyết hậu quả của vụ chìm phà. Ảnh: Aljazeera.

Myanmar cũng vừa gánh chịu một thảm họa liên quan đến sông nước. Sập phà là một trong những thảm họa thường diễn ra ở vùng Đông Nam Á, nơi có nhiều sông nước song cơ sở vật chất hạ tầng yếu. Nạn nhân mới nhất là Myanmar. Sáng 15/10, một vụ chìm phà đã xảy ra trên sông Chindwin, thuộc khu vực Sagaing, Tây Bắc Myanmar. Lúc gặp nạn, chiếc phà đang trên đường đi từ thị trấn Homalin tới thành phố Monywa. Lực lượng chức năng đã tìm thấy 32 thi thể, giải cứu gần 150 người nhưng vẫn còn 60 người mất tích.

Theo Kyaw Htay Lwin, một nhà lập pháp ở Sagaing, số người mất tích có thể còn cao hơn. "Tôi nghe các nhân chứng kể rằng chiếc phà nhồi ít nhất 300 người, trong khi tải trọng theo quy định của nó chỉ là 120 người", ông nói. hồi tháng ba năm ngoái, 65 người đã thiệt mạng tại bang Rakhine, miền tây Myanmar, khi một chiếc phà bị lật úp trong điều kiện thời tiết xấu.

Một nhân chứng đã chụp lại cảnh cây cầu bị sập. Ảnh: Aljazeera.

Cùng cảnh ngộ với Việt Nam và Myanmar là Indonesia, họ cũng vừa gánh chịu một tai nạn tương đối nặng: 9 người chết, 30 người bị thương do sập cầu treo ở Bali. Theo Reuters, cây cầu mang tên Cầu Vàng nối liền hai hòn đảo Nusa Lembongan và Nusa Ceningan bị sập lúc 18h ngày 16/10. Cảnh sát địa phương cho biết, do có quá nhiều người đi trên cây cầu khiến nó quá tải, đứt gãy.

Độ sâu bên dưới cây cầu chỉ không đầy 2 mét, tuy nhiên nhiều nạn nhân bị các mảnh vỡ của cầu sập đè lên. "3 trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng. Tất cả nạn nhân đều là người Indonesia", ông Wahyudi nói thêm. Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia đã dừng tìm kiếm các nạn nhân lúc 21h nhưng sẽ bắt đầu lại vào sáng sớm mai, người phát ngôn của cơ quan này cho hay.

Không khí tang tóc vẫn đang bao trùm Thái Lan. Ảnh: Telegraph.

Tại Thái Lan, dù không có bất cứ sự cố hoặc tai nạn đáng tiếc, song không khí vô cùng thê lương. Người dân Thái dường như vẫn chưa nguôi ngoai sau cái chết của quốc vương Bhumibol Adulyadej. Sự thương tiếc thỉnh thoảng còn trở thành quá khích, một vài người dân đã lên mạng xã hội chỉ trích dữ dội những người không chịu mặc đồ đen hoặc trắng, như cách để tang nhà vua yêu quý của họ, đến nỗi chính phủ phải lên tiếng trấn an, kêu gọi mọi người đoàn kết.

Tin vui duy nhất: Philippines đã thông báo sẽ chấm dứt chiến dịch thanh trừng ma túy đẫm máu. Theo một báo cáo được cảnh sát Philippines công bố hôm qua (13/10), đã có 2.300 người chết trong chiến dịch truy quét nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ tháng 7 vừa qua.

Sa Mộc (Tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/dau-tuan-tang-toc-cua-dong-nam-a-tham-hoa-dien-ra-khap-noi-82420/