Đầu tư vốn cho sản xuất nông - lâm nghiệp

Trên địa bàn huyện Bảo Yên, nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng rất cao, gần 70% trong tổng số các chương trình tín dụng.

Nhờ vay vốn Agribank Bảo Yên, Hợp tác xã Long Phát có thêm nguồn lực đầu tư Nhà máy chế biến tinh dầu quế.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án sản xuất ván dán, ván tre ghép thanh xuất khẩu, Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bảo Yên (Agribank Bảo Yên) đầu tư vốn để hoàn thiện dự án. Ông Nguyễn Cảnh Hoàng Danh, Phó Giám đốc công ty cho biết: Từ khi bắt đầu triển khai dự án đến nay, Agribank Bảo Yên đã đồng hành với doanh nghiệp thông qua đầu tư tín dụng kịp thời, đồng thời có chính sách hỗ trợ (giãn nợ, cơ cấu lại nợ) vào những thời điểm gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhờ đó, công ty đã vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất ổn định.

Năm 2022, Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên đã ký kết được đơn hàng xuất khẩu gỗ/tre ghép thanh sang Thái Lan, sản lượng 4.000 m3/tháng, nhưng với nguồn nguyên liệu và thiết bị hiện nay, công ty chỉ sản xuất được 1.000 m3/tháng. Công ty đã làm hồ sơ vay vốn và được Agribank Bảo Yên giải ngân 7 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền, thiết bị mới, nâng cao năng lực sản xuất. Hiện dư nợ của Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên với Agribank Bảo Yên là 36 tỷ đồng, được đánh giá là một trong những dự án đầu tư vốn hiệu quả.

Nhận thấy vùng trồng quế ở các xã Thượng Hà, Điện Quan có nguồn nguyên liệu (lá và cành quế) lớn, Hợp tác xã Long Phát đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế công suất 15 tấn nguyên liệu đầu vào/ngày, tổng kinh phí đầu tư 13 tỷ đồng. Trong lúc khó khăn về vốn, qua thẩm tra tính khả thi dự án, tài sản thế chấp, Agribank Bảo Yên đã quyết định giải ngân cho Hợp tác xã Long Phát vay 7 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Long Phát, nếu không có nguồn vốn vay từ Agribank Bảo Yên thì đến nay, nhà máy chế biến tinh dầu quế chưa thể đi vào hoạt động. Qua 6 tháng sản xuất, sản lượng tinh dầu quế ổn định và xuất bán ra thị trường, hợp tác xã đã thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính theo cam kết với ngân hàng.

Đây là 2 trong nhiều dự án sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện được Agribank Bảo Yên đầu tư tín dụng. Hiện tổng dư nợ của Agribank Bảo Yên là 1.160 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 788 tỷ đồng, chiếm gần 70%. Đặc biệt, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn huyện Bảo Yên, nhu cầu vốn vay tăng mạnh do người dân và doanh nghiệp thấy được những lợi ích, hiệu quả khi đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo tinh thần nghị quyết.

“Dư nợ cho vay sản xuất nông - lâm nghiệp đến thời điểm hiện tại tăng 92 tỷ đồng so với khi bắt đầu ban hành Nghị quyết 10. Từ nguồn vốn vay, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đã đầu tư mới và mở rộng đầu tư, mua sắm trang - thiết bị, máy móc, công nghệ, nhà xưởng… để sản xuất, kinh doanh, thu mua chế biến sản phẩm nông - lâm nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, như Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên, Công ty TNHH Chè Đại Hưng, Hợp tác xã Long Phát, Hợp tác xã Kim Sơn” - Phó Giám đốc Agribank Bảo Yên Cao Văn Học cho biết.

Cán bộ tín dụng Agribank Bảo Yên kiểm tra việc sử dụng vốn vay đầu tư sản xuất tại Công ty TNHH Chè Đại Hưng.

Xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng, trong thời gian tới, Agribank Bảo Yên đẩy mạnh cho vay các ngành hàng chủ lực (chè, quế) gắn với các sản phẩm OCOP và cây trồng, vật nuôi tiềm năng, như thanh long, hồng không hạt, dâu tằm, trâu, gà đồi, vịt bầu Nghĩa Đô. Cùng với đầu tư vốn tín dụng trực tiếp cho hộ sản xuất, Agribank Bảo Yên sẽ tiếp cận đầu tư cho vay hỗ trợ sản xuất thành phẩm, các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển các sản phẩm OCOP của huyện. Cùng với đó, cho vay phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng gắn với khảo sát, cho vay các doanh nghiệp, cơ sở khai thác, chế biến lâm sản và phát triển du lịch sinh thái rừng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân thuận tiện trong thanh toán tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản về sản xuất nông - lâm nghiệp ở nông thôn, phát triển được nhiều ngành nghề, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống Nhân dân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363152-dau-tu-von-cho-san-xuat-nong--lam-nghiep