Đầu tư sớm tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) muốn Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sớm khẳng định việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có còn đủ năng lực tài chính để trở thành chủ đầu tư Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Nguy cơ lỡ hẹn

Bộ GTVT đã thể hiện sự sốt ruột với tiến độ hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, phân đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do VEC làm chủ đầu tư.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và VDB cuối tuần qua, Bộ GTVT đề nghị 2 cơ quan này sớm thẩm định năng lực tài chính của VEC và phương án tài chính của Dự án để sớm triển khai đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thi công trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Thi công trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Cần phải nói thêm rằng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, vay vốn ADB; đồng thời đã cho phép triển khai trước công tác thiết kế kỹ thuật Dự án theo Hiệp định khoản vay hỗ trợ kỹ thuật số 2460-VIE do ADB tài trợ.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án tại Quyết định số 1833/QĐ-BGTVT ngày 14/6/2016, dự kiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2019; VEC đã triển khai hoàn thành lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, báo cáo kế hoạch giải phóng mặt bằng, tái định cư, đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của nhà tài trợ và đang chờ ký Hiệp định vay vốn để triển khai công tác đấu thầu và thi công công trình.

Theo Bộ GTVT, ADB đã xác nhận việc sẽ cử Đoàn tìm hiểu thực tế khoản vay vào thẩm định Dự án trong tháng 7/2017. Đồng thời, nhà tài trợ đã có ý kiến với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, đề nghị sớm khẳng định năng lực vay của VEC và khoản vay của ADB có được xử lý trong năm 2017 hay không.

Trường hợp không được khẳng định sớm (trước ngày 15/7/2017), Dự án sẽ bị loại khỏi chương trình tài trợ của ADB vì không đủ thời gian trình Ban lãnh đạo ADB phê duyệt trong năm 2017 và như vậy sẽ lỡ cơ hội vay vốn ADB giai đoạn tiếp theo.

“Đây là điều rất đáng tiếc, nhất là trong điều kiện nguồn lực trong nước còn khó khăn và không phát huy được hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định. Được biết, Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài 43 km, với điểm đầu tại Km 1+800 thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; điểm cuối tại Km 44+749,67 thuộc huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), sẽ được xây dựng theo quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Tổng mức đầu tư cho phân đoạn cuối của tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn này là 387,89 triệu USD (tương đương 8.743,1 tỷ đồng), trong đó vay ADB 384 triệu USD, phần còn lại sẽ do VEC tự thu xếp.

Khả thi về tài chính

Đầu tháng 6/2017, Bộ Tài chính đã yêu cầu VEC được sử dụng dòng tiền của 5 dự án do VEC là chủ đầu tư để tính toán phương án tài chính cho các dự án khác hoặc bất kỳ dự án mới nào do VEC là chủ đầu tư trong thời gian tới, bao gồm cả Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Trên cơ sở cập nhật lại một số thông số đầu vào theo yêu cầu của Bộ Tài chính, VEC đã tính toán lại phương án tài chính Dự án và đã có văn bản gửi VDB để xem xét, thẩm định vào giữa tháng 6/2017.

Kết quả chạy lại phương án tài chính của chủ đầu tư cho thấy, Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Lạng Sơn có thể hoàn vốn trong thời gian 25 năm mà không cần phải hỗ trợ bù chéo dòng tiền từ 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư trước đó.

Liên quan cơ chế tài chính của Dự án, đối với phần vốn vay ADB, có 347,65 triệu USD vay từ nguồn vốn vay thông thường (OCR), áp dụng cơ chế cho vay lại; 28,868 triệu USD vốn vay ưu đãi (ADF) sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng do ngân sách cấp phát. Ngân sách nhà nước sẽ cấp phát tiếp khoản kinh phí trị giá 0,521 triệu USD trong 2,295 triệu USD vốn đối ứng cho hạng mục rà phá bom mìn, phần còn lại (1,773 triệu USD) là phí vay lại của khoản vay OCR do VEC tự thu xếp.

Trước đó, trong quyết định phê duyệt chủ trương Dự án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính cho Dự án, bao gồm việc cho vay lại, hay cấp phát đối với vốn vay ưu đãi từ ADB phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; VDB thẩm định năng lực tài chính, khả năng trả nợ của chủ dự án.

Như vậy, để chính thức nhận Dự án, VEC phải hoàn chỉnh phương án tài chính trên cơ sở tham chiếu các điều kiện vay lại, cơ cấu nguồn vốn, tổng mức đầu tư nêu trên và các tài liệu liên quan khác (tình hình tài chính doanh nghiệp, vốn điều lệ...) để gửi Bộ Tài chính, VDB thẩm định và đánh giá hiệu quả tài chính, phương án trả nợ của của Dự án. Đây là những cơ sở quan trọng nhằm xác định chủ đầu tư Dự án.

Theo Bộ GTVT, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn là một bộ phận của đường xuyên Á. Đến nay, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn Hà Nội - Bắc Giang đã được đầu tư hoàn thành năm 2016, quy mô 6 làn xe; đoạn Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đang được thi công, dự kiến hoàn thành năm 2019. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, đường cao tốc Nam Hữu nối TP. Nam Ninh với Cửa khẩu Hữu Nghị Quan, quy mô 4 làn xe đã đưa vào khai thác từ tháng 12/2005.

Tuy nhiên, đoạn còn lại từ Chi Lăng tới Cửa khẩu Hữu Nghị vẫn chưa được triển khai đầu tư, nên khi các đoạn tuyến từ Hà Nội đến Chi Lăng được đầu tư hoàn thành (dự kiến vào năm 2019) thì sẽ vẫn chưa thể phát huy toàn bộ hiệu quả đầu tư, bởi chưa thể kết nối Hành lang Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng.

“Vì vậy, yêu cầu đầu tư sớm đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là rất cần thiết, nhằm tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực ASEAN”, ông Trường nói.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/dau-tu-som-tuyen-cao-toc-huu-nghi---chi-lang-d66386.html