Đầu tư sân gôn không dễ

Việc đầu tư sân gôn từ lâu vẫn gặp khó khăn do sử dụng diện tích đất lớn, nay càng khó hơn nhất là khi Nghị định 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ra đời. Thái Nguyên có ít nhất hai sân gôn đang trong giai đoạn quy hoạch, đầu tư và tất nhiên cũng gặp những trở ngại nhất định.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn vẫn được xem là hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ, du lịch, thể thao, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa hình thức vui chơi, giải trí, phát triển thể lực, sức khỏe cộng đồng. Các nước văn minh, tiến bộ luôn khuyến khích đầu tư sân gôn; giới chính khách, doanh nhân… coi việc tham gia chơi gôn là hoạt động không chỉ thuần túy thể thao mà còn là dịp để bàn công việc, thỏa thuận liên kết, ký các hợp đồng kinh tế… Do đó, việc đầu tư sân gôn được không ít nhà đầu tư quan tâm lựa chọn.

Từ một số năm trước, Thái Nguyên đã có nhà đầu tư đăng ký xây dựng sân gôn mang tên Yên Bình tại T.X Phổ Yên, gần đây có thêm nhà đầu tư đặt vấn đề xây dựng sân gôn tại Khu du lịch hồ Núi Cốc. Đây là hai nhà đầu tư khá quen thuộc, một là Công ty Yên Bình và một là Công ty Trường An (vừa đầu tư thành công sân gôn tại tỉnh Nam Định). Tuy vậy, hiện tại tiến độ triển khai đầu tư cả hai sân gôn trên đang gặp một số trở ngại. Theo Nghị định 52 của Chính phủ thì “dự án sân gôn ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng và phải đáp ứng điều kiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa” và khi sử dụng đất rừng, không được phạm vào đất rừng đặc dụng, phòng hộ hoặc sử dụng đất rừng sản xuất phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, tình trạng đất đồi và lúa xen kẹp, đất rừng các loại liền sát nhau ở tỉnh ta là phổ biến. Việc chuyển đổi đất trồng lúa hay chuyển đổi các loại rừng rất khó khăn, phức tạp liên quan đến cơ chế, chính sách.

Mặt khác, diện tích đất dành cho đầu tư sân gôn không phải nhỏ, theo Nghị định 52, với sân tiêu chuẩn (18 lỗ) tổng diện tích không quá 90ha (bình quân mỗi lỗ không quá 5ha). Nghị định cũng yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án liền mạch, đảm bảo tiến độ và tách bạch rõ giữa sân gôn và các công trình phụ trợ (khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ kèm theo). Thực tế thì thu nhập chính yếu của sân gôn chính là từ các dịch vụ đi kèm nên nhà đầu tư chắc chắn phải tính toán rất kỹ thiệt hơn trước khi bỏ vốn đầu tư…

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/dau-tu-san-gon-khong-de-271160-205.html