Đầu tư phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

UBND TPHCM vừa có quyết định phê duyệt đề án 'Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo'.

Vận chuyển cấp cứu đường hàng không đưa bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền điều trị

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đây là lộ trình phát triển phù hợp để mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện chuyên nghiệp, hiện đại hơn và để TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

Đa dạng mạng lưới cấp cứu

PHÓNG VIÊN: Nội dung quan trọng của phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện (ngoại viện) này là gì, thưa ông?

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Đó là phát triển mạng lưới các trung tâm cấp cứu ngoại viện và các trạm cấp cứu vệ tinh gắn liền với định hướng phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố theo 3 cụm, bao gồm: cụm trung tâm, cụm Tân Kiên, cụm Thủ Đức. Bên cạnh đó, phát triển thêm 2 loại hình cấp cứu theo hướng chuyên nghiệp với các trạm cấp cứu đường thủy và đường không.

Thành phố sẽ đầu tư, xây dựng cổng tiếp nhận và điều phối cấp cứu ngoại viện (cổng 115) với công nghệ hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đảm bảo hệ thống cấp cứu ngoại viện sẽ được kết nối thống nhất và dễ dàng được tiếp cận bởi người dân khi gặp tình huống khẩn cấp. Thành phố triển khai các chương trình đào tạo chính quy cho nhân viên y tế tham gia hoạt động cấp cứu ngoại viện (mô hình paramedic); chương trình đào tạo sơ cấp cứu cho cộng đồng; khuyến khích người dân tham gia sơ cấp cứu khi gặp người bị nạn.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Vậy các trung tâm cấp cứu và trạm cấp cứu này sẽ được quy hoạch như thế nào?

Trung tâm Cấp cứu 115 cụm Tân Kiên sẽ là trung tâm chỉ huy hoạt động cấp cứu ngoại viện cho toàn thành phố, dự án này đã được HĐND TPHCM thông qua và đang thực hiện. Trung tâm có diện tích 10.700m2, có khu huấn luyện, đào tạo thực hành cho chuyên viên cấp cứu ngoại viện; có khu cung ứng vật tư, thiết bị y tế, khu bảo hành, bảo trì chuyên dụng cho xe cấp cứu ngoại viện. Đặc biệt, trung tâm sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp nhận cuộc gọi, tư vấn cách xử trí tại chỗ cho người dân, điều phối các đội cấp cứu ngoại viện; sẵn sàng kết nối với các tỉnh, thành phố và địa phương lân cận TPHCM khi có yêu cầu.

Trung tâm Cấp cứu 115 cụm Thủ Đức dự kiến đặt tại TP Thủ Đức, đảm trách tiếp nhận cuộc gọi, điều phối cấp cứu ngoại viện khu vực TP Thủ Đức và là cơ sở dự phòng về hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh mạng cho trung tâm chính khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra...

Còn Trung tâm Cấp cứu 115 cụm trung tâm hiện có cơ sở hiện hữu trên địa bàn quận 10 sẽ tiếp tục được củng cố, cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đảm trách cấp cứu ngoại viện tại các quận trung tâm và đảm bảo sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp tại các khu vực trọng điểm, các lễ hội, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch trên địa bàn. Đối với Trạm Cấp cứu 115 đường thủy đặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (khu phố Miễu Ba, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) sẽ được đầu tư mới tàu cứu thương chuyên dụng nhằm triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy. Trạm Cấp cứu 115 đường hàng không đặt tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường hàng không.

Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng

Tại sao thành phố ưu tiên thực hiện quy hoạch mạng lưới này, trong khi cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh còn khó khăn?

Nói đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân thì thường được chú trọng đến đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng cho các bệnh viện và các phòng khám ban đầu, điều này hoàn toàn đúng vì thực tế cung vẫn chưa đáp ứng cầu. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót khi không chú trọng đến công tác cấp cứu ngoại viện cho người dân. Nhận thức được điều này, từ hơn 10 năm qua, ngành y tế thành phố không ngừng cải thiện hoạt động cấp cứu ngoại viện.

Cho đến nay, đã đến lúc cần có một đề án hoàn chỉnh với một lộ trình phát triển phù hợp để mạng lưới cấp cứu ngoại viện sớm trở thành chuyên nghiệp, là một yêu cầu không thể thiếu đối với một trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN. Trạm cấp cứu đường hàng không và đường thủy là 2 loại hình không thể thiếu đối với hệ thống y tế của thành phố. Đề án đã xây dựng những bước đi hợp lý, đặc biệt tăng cường kết hợp quân - dân y chắc chắn sẽ giúp 2 loại hình cấp cứu này được phát triển bền vững.

Vận chuyển cấp cứu đường hàng không đưa bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền điều trị

Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực và kinh phí rất lớn để thực hiện, ngành y tế triển khai như thế nào?

Ngành y tế đã chủ động, phối hợp cùng các đơn vị liên quan để xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, thực hiện công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện ngay. Cụ thể, dự án Trung tâm Cấp cứu 115 cụm Tân Kiên đã được phê duyệt trước đó và đang thực hiện, đặt tại cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2026. Ngành y tế đã và đang phối hợp cùng ban có các bước chuẩn bị để khởi công vào cuối năm 2024. Ngành y tế thành phố cũng đề xuất UBND TP Thủ Đức dự án đầu tư xây mới Trung tâm Cấp cứu 115 cụm Thủ Đức đặt tại khu đất diện tích 29.000m2, tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.

Những gì trong phạm vi, trách nhiệm của ngành y tế sẽ được triển khai ngay khi được phê duyệt; những hoạt động mới cần ngân sách đầu tư, cần chính sách đặc thù thì ngành y tế sẽ kiến nghị, đề xuất các giải pháp đến các cấp lãnh đạo thành phố và phối hợp cùng các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Ngành y tế cũng sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực phục vụ hệ thống cấp cứu ngoại viện như: miễn, giảm học phí cho các đối tượng theo học các chương trình đào tạo; xây dựng vị trí việc làm; đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề phù hợp với mức độ nguy hại; hỗ trợ các gói bảo hiểm dành cho tổ cấp cứu ngoại viện khi hoạt động ngoài hiện trường trên bộ, trên đường thủy và trên đường hàng không… PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG

Trước đó, cuối năm 2023, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Cấp cứu 115 bố trí các kíp trực cấp cứu ngoại viện phục vụ người dân 24/7 tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, chuẩn bị cho việc triển khai Trạm Cấp cứu đường thủy. Cũng trong năm 2023, Sở Y tế đã có những buổi làm việc cùng Bệnh viện Quân y 175 để chuẩn bị cho công tác triển khai cấp cứu hàng không, trong đó Trạm Cấp cứu 115 hàng không sẽ đặt tại khuôn viên Bệnh viện Quân y 175.

Trung tâm Cấp cứu 115 cũng cử nhân sự tham gia các khóa tập huấn về cấp cứu hàng không do Bệnh viện Quân y 175 tổ chức nhằm sẵn sàng khi Trạm Cấp cứu 115 hàng không được triển khai. Ngoài ra, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân sự, các dự án mua sắm phương tiện (trong đó có xe mô tô cứu thương, xe cứu thương chuyên sâu, tàu cứu thương chuyên dụng), trang thiết bị phục vụ cấp cứu, phục vụ đào tạo để sẵn sàng xin phê duyệt, kịp thời triển khai.

THÀNH SƠN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-tu-phat-trien-mang-luoi-cap-cuu-ngoai-vien-theo-huong-chuyen-nghiep-hien-dai-post733544.html