Đầu tư nông nghiệp cũng phải thay đổi

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian dài vẫn chưa tạo ra đột phá nào, nhưng điều này không có nghĩa là cơ hội tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều. TBKTSG Online có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, bên lề Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường niên lần thứ 4 diễn ra vào cuối tuần qua.

Phơi lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh TL

TBKTSG: Một số nhà chuyên môn và các địa phương trong vùng ĐBSCL cho rằng nông nghiệp là lĩnh vực thu hút đầu tư đầy tiềm năng của vùng. Nhưng, số liệu của VCCI Cần Thơ cho thấy trong chín tháng đầu năm 2016, đầu tư vào nông nghiệp chỉ có hơn 209 triệu đô la Mỹ (trong tổng số 1,67 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào ĐBSCL). Qua số liệu này, rõ ràng nông nghiệp vẫn chưa được các nhà đầu tư “để mắt” tới, thưa ông?

Ông Võ Hùng Dũng

- Ông Võ Hùng Dũng: Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải có sự nhận dạng đúng một chút về quá trình phát triển của nông nghiệp. Các nhà kinh tế hay nói về “quá trình chuyển đổi” và “nhu cầu xuất hiện” để dự báo “một khả năng trong tương lai”.

Khi chúng ta nhìn vào vấn đề đã nói, tức cho rằng nông nghiệp đầy tiềm năng, nhưng vốn đầu tư vào vẫn rất ít, đó là bởi tiềm năng không phải lúc nào cũng xuất hiện ngay được. Đặc biệt, nông nghiệp chúng ta trước đây là nông nghiệp “thuần túy của nông nghiệp”, nhu cầu chủ yếu là nhu cầu khai thác đất đai, lao động, cho nên, với người nông dân nó là kinh nghiệm theo kiểu “cha truyền con nối”. Nhu cầu (ở trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài) có gia tăng, nhưng là với sản phẩm thô.

Tất cả những điều nêu trên tạo ra một giai đoạn thay đổi (phát triển) trong nông nghiệp, nhưng thay đổi đó vẫn là lợi thế so sánh, vẫn là lao động giản đơn và cũng là khai thác từ đất đai.

Tuy nhiên, tới giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của nó, thì chúng ta thấy vấn đề phức tạp hơn. Một mặt chúng ta thấy nông nghiệp “dường như cạn kiệt”, nhưng bên cạnh đó lại thấy nó “có đầy tiềm năng”.

Tiềm năng nhưng tại sao không có ai đầu tư? Vì như đã nói ở trên, chúng ta có một giai đoạn rất khó khăn, nghĩa là nông nghiệp chỉ dựa vào khai thác lợi thế đất đai, không có đầu tư sâu; lao động chỉ bằng kinh nghiệm của người nông dân...

Nhưng hiện nay, nông nghiệp như vậy sẽ không còn đủ sức giải quyết vấn đề nữa. Ví dụ, để tăng năng suất phải ứng dụng công nghệ thông tin; phải hiểu được thổ nhưỡng trên thửa đất như thế nào để có cách bón phân hợp lý... Tất cả những cái đó đòi hỏi những ngành công nghệ mới phải được ứng dụng vào, nhưng nó chưa xuất hiện hoặc nông dân chưa làm chủ được. Như vậy, nông nghiệp đang đứng trước ngã ba đường.

Trong bối cảnh như vậy, thì nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi, trước đây ăn uống đơn giản, chỉ cần lương thực là chính, còn bây giờ, người ta không cần lương thực nhiều, mà cần nhiều cá, thịt, trứng, sữa và cả trái cây. Thay đổi về nhu cầu đi trước sản xuất, nền nông nghiệp trong nước không đáp ứng được nhu cầu mới nên phải nhập khẩu. Rồi nhiều người nhìn vấn đề này một cách “bi quan”.

Phải thấy rằng nhờ nhu cầu thay đổi đó buộc nông nghiệp phải thay đổi cả phương thức canh tác, cách thức ứng dụng và cũng phải tính đến cả vấn đề quản trị. Lúc đó người ta thấy đầu tư vào nông nghiệp nó không chỉ trồng lúa và trái cây nữa, mà nó là một chuỗi sản phẩm, có thể khai thác hết được từ nguyên liệu ban đầu đến nguyên liệu cuối cùng. Khi nhu cầu gia tăng cao, hiệu suất sử dụng nguyên liệu tăng cao, thì cái đầu tư mới tăng.

TBKTSG: Như vậy, cách thức kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp cũng sẽ phải thay đổi?

- Đúng như vậy. Kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, phải giới thiệu cái lợi thế là điều hiển nhiên. Nhưng, có nhiều người không biết nhiều đến lợi thế của nông nghiệp, không hiểu được xu thế phát triển của nông nghiệp. Người ta có thể hiểu về lợi thế nông nghiệp nói chung, như về lúa gạo và thủy sản, nhưng không biết những phân khúc nông nghiệp sau này sẽ như thế nào khi thu nhập lên đến 3.000-5.000 đô la Mỹ/người/năm.

Chính vì vậy mà chúng ta phải nói, phải chứng minh, phải giới thiệu, phải có động thái nghiên cứu sâu mới làm cho những nhà kinh doanh quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn.

TBKTSG: Với tư cách là đơn vị đại diện cho doanh nghiệp và có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư/các tổ chức nước ngoài, theo ông, họ quan tâm vào phân khúc nào của ngành nông nghiệp?

- Mười năm trước, khi tôi làm việc với Tổng lãnh sự Singapore, tôi nói về đầu tư trong nông nghiệp, thì ổng không biết và các doanh nghiệp Singapore cũng không biết. Rõ ràng, Singapore là quốc gia về thương mại, trung chuyển nên họ không quan tâm và chúng ta đặt vấn đề như vậy là không đúng lắm.

Nhưng ngày hôm nay, quay lại Singapore, không có nghĩa là họ cũng không quan tâm vì họ đã ‘xài” hết những lợi thế của họ. Bây giờ, nếu họ muốn tiếp cận với thế giới, tiếp cận với các chuỗi cơ bản, mà họ lại nằm trong khối ASEAN, thì họ cũng phải làm việc với các nước như Việt Nam, Indonesia.

Gần đây, nhu cầu mua sản phẩm nông nghiệp ở những thị trường gần chúng ta như Indonesia, Trung Quốc hay Ấn Độ gia tăng hơn so với 10-15 năm trước đây. Như vậy, rõ ràng tiềm năng nó quay trở lại những quốc gia đang quan tâm về nông nghiệp.

Còn những công ty quan tâm đến thực phẩm, một mặt họ chú ý thị trường Việt Nam để bán máy móc, thiết bị phục vụ chế biến, mặt khác họ cũng thấy ở đây có nguồn nguyên liệu rất lớn để họ có thể đầu tư, tinh chế, cung cấp trở lại thị trường Việt Nam và bán ra thị trường các nước, trong đó, có chính quốc gia của họ.

Theo đánh giá của tôi, không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, mà khu vực châu Âu cũng đang quan tâm nhiều hơn.

Hiện tại, nông nghiệp không còn giữ vai trò, tỷ trọng lớn như trước đây đối với nền kinh tế, nhưng ít nhất trong nền sản xuất lương thực, thực phẩm, nó luôn đóng một vị trí rất chắc chắn và đấy là lợi thế của khu vực này.

TBKTSG: Thấy xu hướng, cơ hội và biết được mối quan tâm của nhà đầu tư rồi, nhưng làm sao để họ vào đây, thưa ông?

- Nói đi, nói lại cũng chỉ có ba vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, hạ tầng phải được cải thiện, bởi nó liên quan đến chi phí. Nhà đầu tư đến nhanh, dễ dàng, thì mới chịu đến; đến đây phải có đô thị, khu nghĩ dưỡng, khu vui chơi giải trí, thì họ mới đến.

Thứ hai, là vấn đề môi trường kinh doanh. Dù ĐBSCL có chỉ số môi trường kinh doanh được cho là tốt nhưng cũng còn những thứ “nhì nhằng” và những cái đó đòi hỏi nỗ lực thường xuyên chứ không phải mang tính “phong trào”, phải được các tổ chức có tiếng tăm xác nhận. Chỉ số PCI cũng là một cách để xây dựng hình ảnh khu vực ĐBSCL trong mắt những nhà đầu tư.

Thứ ba, liên quan đến thể chế. Trong nông nghiệp, thể chế nó ràng buộc nhiều hơn, người nông dân kinh doanh khởi nghiệp khó hơn rất nhiều so với trong lĩnh vực công nghiệp và ở khu vực đô thị. Nhưng, gỡ những vấn đề này lại động chạm đến rất nhiều đến vấn đề sâu xa về quan điểm chính trị, chính sách nên những vấn đề này muốn sửa thật sự không phải dễ.

Phải giải quyết ba vấn đề cơ bản đó.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153810/dau-tu-nong-nghiep-cung-phai-thay-doi.html/