Đầu tư nguồn lực, nâng chất lượng dạy và học ở vùng khó khăn

Đầu tư nguồn lực cho giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ được tỉnh thường xuyên quan tâm nhằm thu hẹp khoảng cách với vùng xuôi, đóng góp tích cực vào thành tích giáo dục và phát triển KT-XH của tỉnh.

Chuyển biến tích cực

Bắc Giang hiện có 28 xã, thị trấn ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế thuộc khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Với nhiều nỗ lực, Bắc Giang được đánh giá là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về triển khai thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo để phát triển miền núi và vùng dân tộc thiểu số.

Cô và trò Trường Tiểu học Dương Hưu (Sơn Động) trong giờ học.

Cô và trò Trường Tiểu học Dương Hưu (Sơn Động) trong giờ học.

Đến nay, mạng lưới trường học được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến, không còn tình trạng học sinh bỏ học hoặc phải học lớp ghép. Các trường tiểu học đều tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trẻ em được học tiếng Anh từ lớp 1.

Trường Tiểu học thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) là một trong những ngôi trường đầu tiên ở vùng khó khăn đạt chuẩn mức độ 2. Nhà trường mới xây dựng thêm tòa nhà 2 tầng gồm 8 phòng chức năng, mua sắm bàn ghế, đồ dùng theo danh mục thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô giáo Lào Thị Xiêm, Hiệu trưởng cho biết: Trước đây khi chưa có phòng chức năng, học sinh chủ yếu chỉ được học lý thuyết ở một số môn khoa học tự nhiên, tiếng Anh, tin học. Từ khi có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, thầy và trò đã có những giờ thực hành bổ ích, tăng hứng thú học tập cho các em. Nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Số học sinh khá, giỏi năm học sau luôn cao hơn năm trước và có học sinh giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.

Trường THCS Phong Vân - xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn có 3 dãy nhà 2 tầng khang trang nằm giữa những đồi keo, bạch đàn xanh mát. Hiệu trưởng Ninh Thị Sen cho biết: Nhà trường hiện có 470 học sinh chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, trong đó có 41 em ở nội trú do nhà xa. Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng chất lượng giáo dục trong 5 năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh giỏi các năm gần đây đạt từ 6-8%. Năm học vừa qua sau khi tốt nghiệp THCS, có 60% em thi đỗ vào trường THPT, còn lại vừa theo học văn hóa, vừa học nghề hệ 9+.

Từ những ngôi trường miền núi còn khó khăn, nhiều em đã nỗ lực phấn đấu, đạt thành tích cao trong học tập như: Hoàng Thanh Huyền, dân tộc Nùng, ở xã An Lạc (Sơn Động) hiện là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương từng giành giải Nhất duy nhất toàn quốc môn Tiếng Trung trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022. Sinh viên Lục Thị Cầu (SN 2002), dân tộc Cao Lan, ở xã Bình Sơn (Lục Nam) đỗ thủ khoa Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm học 2019- 2020.

Sinh viên Triệu Bàn Tuyết Nhi (SN 2004), dân tộc Dao, ở thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) học Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật - công nghiệp đoạt Huy chương Vàng giải vô địch đẩy gậy toàn quốc năm 2022 được Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2022.

Rút ngắn khoảng cách với miền xuôi

Ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, giai đoạn 2019-2025, UBND tỉnh bố trí hơn 3 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 496,1 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học ở các trường vùng khó khăn.

Học sinh Trường THCS Phong Vân (Lục Ngạn) trong giờ tự học tại thư viện.

Học sinh Trường THCS Phong Vân (Lục Ngạn) trong giờ tự học tại thư viện.

Năm học 2023-2024, huyện Lục Ngạn đưa vào sử dụng 144 phòng học mới; huyện Sơn Động hoàn thành xây mới và cải tạo 40 phòng học. Đến nay, trên địa bàn huyện Sơn Động có 100% phòng học bậc THCS đã kiên cố, tất cả các bậc học không còn phòng học tạm.

Để các em yên tâm đến trường, học sinh vùng khó khăn được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Hiện mỗi học sinh ở trường PTDT bán trú THCS được hỗ trợ 150 nghìn đồng/tháng, hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở và 15 kg gạo/tháng. Các em được cấp học bổng bằng 80% mức lương cơ sở và hỗ trợ đồ dùng, dụng cụ, điện nước sinh hoạt. Cùng đó, cán bộ, giáo viên giảng dạy tại vùng khó khăn cũng được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù (phụ cấp thu hút, trợ cấp chuyển vùng) để thầy cô yên tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Cơ sở vật chất được cải thiện, các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên và học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn.

Từ năm 2019-2025, UBND tỉnh bố trí hơn 3 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 496,1 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng giảng dạy cho các trường vùng khó khăn.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng giáo dục miền núi vẫn còn đối diện với khó khăn. Nhiều nơi bị chia cắt khi mưa lũ, học sinh không thể đến trường. Cơ sở vật chất ở một số trường mới đáp ứng việc dạy và học ở mức tối thiểu, còn tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, thiết bị giảng dạy, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở xa.

Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non dưới 3 tuổi ra lớp thấp. Chất lượng giáo dục ở nhiều môn học như: Tiếng Anh, tin học và một số hoạt động giáo dục kỹ năng sống chưa cao. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục miền núi có nguyện vọng trở về miền xuôi công tác nên đội ngũ ở các trường thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, đội ngũ giáo viên là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT đẩy mạnh khảo sát, phân loại, tăng cường bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là với bậc học mầm non và tiểu học, huyện sẽ chủ động rà soát, đề xuất chỉ tiêu giáo viên hằng năm; đồng thời dành nguồn lực đầu tư, tu sửa, nâng cấp phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy và học.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Quyết tâm đạt mục tiêu giảm chênh lệch giáo dục với vùng xuôi, ngành giáo dục Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo rà soát, quy hoạch hệ thống mạng lưới trường, lớp phù hợp với từng vùng. Trong đó đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, xóa điểm trường lẻ, tạo điều kiện cho các em được học tập trong môi trường có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực, giỏi nghiệp vụ sư phạm, tâm huyết với nghề, với sự nghiệp giáo dục vùng khó khăn. Ngành sẽ bố trí tăng cường đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn tốt về giảng dạy tại những trường có chất lượng giáo dục chưa cao theo năm học. Cán bộ, giáo viên vùng khó khăn được ưu tiên bồi dưỡng nghiệp vụ.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/412276/dau-tu-nguon-luc-nang-chat-luong-day-va-hoc-o-vung-kho-khan.html