Đầu tư, khai thác và dịch vụ dầu khí - Mở cửa ra nước ngoài

* 22 hợp đồng đầu tư đến 13 nước

Việc mở rộng đầu tư, phát triển ra nước ngoài, thắng thầu quốc tế các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, xuất khẩu cung cấp các gói dịch vụ kỹ thuật dầu khí ra nước ngoài… đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) không chỉ ở trong nước mà còn trên cả thế giới. Xuất khẩu dịch vụ dầu khí Những năm trước đây, khi nói đến doanh thu của ngành dầu khí, người ta thường chỉ nghĩ đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô - nguồn thu lớn nhất của PVN. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô hiện nay không còn chiếm vị thế áp đảo trong tổng doanh thu của PVN như trước nữa. Cán cân giữa doanh thu xuất khẩu dầu thô và dịch vụ dầu khí đang có sự thay đổi nhanh chóng. Nhất là từ 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu khối dịch vụ của PVN ngày càng tăng mạnh. Giờ đây PVN có thể tự tin khi nói rằng ngành Dầu khí Việt Nam đang bước đi vững chãi bằng cả 2 lĩnh vực: cung ứng dịch vụ và khai thác dầu khí. Trên thực tế, các loại hình dịch vụ cung cấp cho hoạt động thăm dò, khai thác và sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí ở Việt Nam là một mảng kinh doanh hấp dẫn, với quy mô toàn thị trường hàng chục tỷ USD. Những năm trước đây, các doanh nghiệp VN chỉ hưởng được những “mảnh vụn” trong “chiếc bánh” khổng lồ này, với thị phần chưa tới 20%. Nhưng từ năm 2009, PVN quyết định phải đẩy mạnh việc phát triển mảng dịch vụ dầu khí, nhằm nâng dần tỷ trọng dịch vụ do các doanh nghiệp trong nước cung cấp lên 30-35%. Đồng thời, PVN cũng sắp xếp lại các doanh nghiệp dịch vụ theo hướng tập trung và chuyên môn hóa sâu, với hàng chục cuộc sáp nhập, nhằm giải quyết tình trạng phân tán và giẫm chân nhau. Kết quả đạt được cũng thật nhanh chóng. Năm 2009, doanh thu dịch vụ của PVN đạt hơn 90.000 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu dịch vụ của PVN trong 4 năm từ 2006-2009 và tương đương khoảng 38% tổng giá trị thị trường dịch vụ dầu khí của Việt Nam vào năm ngoái. Năm 2010, PVN có kế hoạch tăng doanh thu dịch vụ lên 115.000 tỷ đồng và kết quả này hiện nay đang gần về đích. Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết, không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, các loại hình dịch vụ dầu khí của PVN còn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ ở thị trường quốc tế. Trên 60% doanh thu dịch vụ của PVN hiện nay đến từ các hợp đồng cung cấp cho khách hàng nước ngoài. Và PVN hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ dầu khí đến một số nước trong khu vực. Hiện nay mảng dịch vụ cơ khí dầu khí của Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Các doanh nghiệp thành viên của PVN như Liên doanh VietsovPetro (VSP), Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) đã có thể chế tạo một phần giàn khoan, giàn khai thác và các công trình phục vụ hoạt động khai thác trên biển. Bên cạnh đó, PTSC còn nhận được lời mời từ các công ty của Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Australia nhằm hợp tác chế tạo các công trình giàn khoan và những cụm công trình rời phục vụ khai thác dầu khí trên biển. Hai năm gần đây (2009 - 2010), PTSC còn vươn ra thị trường nước ngoài, xuất khẩu, cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí ở nước ngoài. Để thực hiện tốt công tác này, PTSC đã thành lập các văn phòng đại diện tại Singapore và Malaysia, gần đây nhất, PTSC đã thắng thầu quốc tế trong việc cung cấp 3 tàu dịch vụ cho Tập đoàn Dầu khí Petronas (Malaysia). Mở rộng đầu tư ra nước ngoài Cùng với việc đầu tư phát triển ở trong nước, những năm qua, PVN rất chú trọng tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, PVN đã ký 49 thỏa thuận hợp tác đầu tư với các nước trên thế giới, trên cơ sở đó, PVN cũng đã ký kết và đang triển khai thực hiện 22 hợp đồng tại 13 nước. Các dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai như dự án phát triển mỏ Nhenhexky tại Liên bang Nga (Liên doanh Rusvietpetro thực hiện), dự án phát triển mỏ Giunin 2 tại Venezuela (PVEP thực hiện), dự án thủy điện Luông Phabăng tại Lào (do PVP thực hiện), thỏa thuận đối tác chiến lược giữa PVN - Gazprom... Kết quả bước đầu, từ năm 2007 PVN đã có tấn dầu thô đầu tiên khai thác từ mỏ Nhenhexky (Liên bang Nga) và từ lô SK 305 (Malaysia)... mang lại kết quả tốt đẹp cho công cuộc “vươn ra biển lớn” của ngành dầu khí VN. Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực cho biết, sắp tới, PVN sẽ đưa 4 mỏ mới vào khai thác; hai mỏ ở trong nước là Nam Rồng - Đồi Mồi (thuộc Vietsovpetro), mỏ Peal (Nhà thầu Petronas) và hai mỏ ở nước ngoài là D30 và mỏ Dana-lô SK 305 (ở Malaysia). Cũng theo Tổng Giám đốc Phùng Đình Thực, thời gian qua, công tác thăm dò khai thác dầu khí của tập đoàn có nhiều kết quả tốt. Theo đó, tập đoàn đã có 9 phát hiện dầu khí mới (trong đó 6 phát hiện ở trong nước và 3 phát hiện ở nước ngoài), đã ký 15 hợp đồng dầu khí mới (trong đó có 13 hợp đồng ở trong nước và 2 hợp đồng ở nước ngoài), ký 7 thỏa thuận hợp tác chung trong lĩnh vực dầu khí với các công ty dầu khí quốc gia của các nước như: Nicaragua, Bolivia, Argentina, Kazacxtan, Mozambique, Angola và Sudan… Sự thành công của các dự án trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược mà ngành đã đề ra, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Việc mở rộng đầu tư, phát triển ra nước ngoài, thắng thầu quốc tế các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, xuất khẩu cung cấp các gói dịch vụ kỹ thuật dầu khí ra nước ngoài đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu PVN không chỉ ở trong nước mà còn trên cả thế giới. NGUYỄN THU TUYẾT

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/congnghiepkt/2010/9/238410/