Đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản theo hướng bền vững - Bài 1

Với lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú, huyện Chợ Đồn đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác giá trị nguồn tài nguyên theo hướng bền vững.

Tiềm năng lớn

Chợ Đồn có nguồn tài nguyên phong phú để phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản. Nơi có trữ lượng lớn về chì, kẽm, sắt, đá vôi… tập trung ở các xã Bản Thi, Bằng Lãng, Lương Bằng, Ngọc Phái, Quảng Bạch.

Với những lợi thế đó, thời gian qua, huyện đã thu hút được nhiều dự án đầu tư phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Toàn huyện có trên 40 điểm khai thác khoáng sản với nhiều chủng loại khác nhau, trong đó có 07 đơn vị được cấp phép hoạt động lĩnh vực khai thác, chế biến quặng chì kẽm; 02 đơn vị được cấp phép khai thác quặng sắt; có 06 mỏ khoáng sản (05 mỏ đá vôi, 01 mỏ cát) khai thác vật liệu xây dựng thông thường...

Trong quá trình hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện, các đơn vị cơ bản chấp hành quy định của pháp luật, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Tiêu biểu như Mỏ chì kẽm Chợ Điền của Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu: Năm 2020, sản lượng của đơn vị đạt trên 34.000 tấn tinh quặng kẽm, chì, ô xít kẽm. Tinh quặng chì sau chế biến tại Xưởng tuyển mỏ Chợ Điền được cung cấp cho một số nhà máy luyện chì trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam tại huyện Chợ Đồn; Xưởng tuyển Cao Bắc tại huyện Ngân Sơn của Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc. Công ty thực hiện nghĩa vụ thuế, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp và trả lương cho khoảng 400 công nhân đầy đủ. Hay như mỏ sắt Bản Quân, xã Ngọc Phái của Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị Toàn bộ Matexim hiện đang được khai thác theo phương pháp lộ thiên. Kết quả khai thác năm 2020 đạt trên 41.000 tấn quặng, bằng 41% so với công suất thiết kế, khối lượng sau chế biến là 28.600 tấn.

Hiện nay trong tất cả các nhà máy được cấp phép trên địa bàn, triển vọng nhất cho hoạt động chế biến sâu phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng của Nhà máy luyện chì Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam. Đơn vị đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư quy mô công suất thiết kế 5.000 tấn/năm. Sản phẩm dịch vụ cung cấp chính là chì kim loại 96 - 98%, sản phẩm phụ là thạch cao. Nhà máy hoàn thành xây dựng và đi vào sản xuất từ tháng 10/2020. Công ty cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã sản xuất được hơn 2.000 tấn chì cục hàm lượng đạt khoảng 98%. Vừa qua, công ty đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo đó dự án bổ sung nội dung đầu tư dây chuyền điện phân chì kim loại đạt từ 99,9 - 99,995% nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu hồi tối đa kim loại đi kèm. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư điều chỉnh. Về nguyên liệu cung cấp cho nhà máy, đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cấp phép thăm dò 10 khu vực chì kẽm, trong đó 03 khu vực đã được cấp phép khai thác và hiện đang thi công. Nhờ có nhà máy chế biến sâu nên hiệu quả đầu tư của công ty đang dần được khẳng định, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.

Ưu tiên, khuyến khích sản xuất, chế biến sâu

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận chuyển, sản xuất, chế biến và tiêu thụ khoáng sản, hệ thống đường giao thông của huyện Chợ Đồn đã được kết nối khá đồng bộ với Quốc lộ 3C, Quốc lộ 3B… Địa phương cũng có nguồn nhân lực lao động khá dồi dào với 85% dân số trong độ tuổi lao động. Huyện cũng đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch các cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Bản Thi 25ha, cụm công nghiệp Ngọc Phái 40ha, cụm công nghiệp Bình Trung 15ha, cụm công nghiệp Bằng Phúc 10ha; riêng cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng 45ha đang được Sở Công thương thực hiện các thủ tục và đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Xưởng tuyển khoáng của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn.

Với tiềm năng, lợi thế về khoáng sản lớn nhất tỉnh, huyện Chợ Đồn sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Đối với các dự án, nhà máy đang xây dựng, chuẩn bị xây dựng, song song với mời gọi đầu tư, huyện đề nghị các công ty, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về môi trường; quản lý, khai thác đúng theo giấy phép được UBND tỉnh cấp; thực hiện tốt công tác phối hợp với địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh.

Đồng chí Triệu Huy Chung- Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: Định hướng của địa phương là sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tìm kiếm các điểm mỏ mới, nâng cấp mỏ đang có, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng. Tới đây, nếu tỉnh đồng ý cho xây dựng cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho công nghiệp khoáng sản của huyện phát triển. Chợ Đồn sẵn sàng tạo điều kiện về mặt bằng để các đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy, đồng thời tiếp tục khuyến khích các đơn vị tham gia chế biến sâu nhằm góp phần giảm chi phí, tăng giá trị, trữ lượng sản phẩm từ quặng chì, kẽm, sắt. Phấn đấu trong tương lai trên địa bàn có ít nhất 2 dây chuyền lớn sản xuất, chế biến sâu về kẽm và sắt./. (còn nữa)

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202108/khai-thac-tiem-nang-cong-nghiep-du-lich-cho-don-dau-tu-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san-theo-huong-ben-vung-bai-1-9b62066/