Đầu tư Hải Phát nói gì khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định về việc đưa cổ phiếu CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX - sàn HoSE) vào diện cảnh báo từ ngày 11/7 và không được cấp margin trong quý III/2023.

Đầu tư Hải Phát cho biết Báo cáo tài chính hằng năm là một trong những nội dung được Công ty đưa vào chương trình thảo luận tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hàng năm và thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 vẫn chưa được phát hành.

Công ty cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc những tháng cuối năm 2022 công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, do chịu sự tác động trực tiếp của thị trường bất động sản, thị trường vốn. Trong đó, nhân sự quản lý cấp cao và cơ cấu cổ đông trong thời gian liên tục thay đổi, Công ty đã không triệu tập thành công ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2023 để thông qua chủ trương thay đổi đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022.

“Điều này đồng nghĩa với việc Công ty chưa đủ tài liệu để phục vụ cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023”, Đầu tư Hải Phát nhấn mạnh.

Đầu tư Hải Phát cho biết đang tập trung toàn lực để phục vụ công tác kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 và nỗ lực cố gắng phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH kiểm toán CPA Vietnam để hoàn thành Báo cáo tài chính năm 2022 trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, HoSE đã quyết định đưa cổ phiếu HPX vào diện cảnh báo từ ngày 11/7/2023 do Công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.

Ngoài ra, HoSE cũng vừa đưa cổ phiếu HPX vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện cấp margin trong quý III/2023 với lý do cổ phiếu thuộc diện hạn chế giao dịch, đồng thời Công ty chậm công bố thông tin Báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán quá 5 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Chưa tới 1 tháng, Đầu tư Hải Phát chậm trả lãi hai lô trái phiếu với tổng mệnh giá 800 tỷ đồng

Ngoài ra, ngày 12/4/2023 là hạn thanh toán lãi trái phiếu kỳ thứ 5 của mã trái phiếu HPXH2224001 cho 34 trái chủ.

Đầu tư Hải Phát cho biết, đến hạn thanh toán lãi, Công ty thanh toán đúng hạn cho 33/34 trái chủ, còn lại 1 trái chủ (không đề giá trị chậm thanh toán lãi), Công ty và trái chủ có biên bản thống nhất về việc thanh toán đầy đủ tiền lãi trước ngày 20/4/2023.

Lý do về việc chậm thanh toán được Đầu tư Hải Phát đưa ra do thị trường bất động sản gặp khó trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thanh toán giảm làm ảnh hưởng đến dòng tiền thu từ các dự án của Công ty nên đến ngày 12/4/2023, Công ty chưa thể thu xếp đủ số tiền lãi trả cho trái chủ.

Theo tìm hiểu, trái phiếu mã HPXH2224001 được phát hành ngày 12/1/2022, đáo hạn ngày 12/1/2024, mệnh giá 350 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm và đơn vị lưu ký là CTCP Chứng khoán Navibank.

Đầu tư Hải Phát chậm trả lãi lô trái phiếu mệnh giá 450 tỷ đồng

Trước đó, Đầu tư Hải Phát cho biết ngày 24/3/2023 là kỳ tính lãi thứ 5 của mã trái phiếu HPXH2123011 cho 31 trái chủ. Tuy nhiên, tới hạn thanh toán, Công ty vẫn chưa thanh toán cho trái chủ.

Đầu tư Hải Phát lý giải do thị trường bất động sản gặp khó trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thanh khoản giảm làm ảnh hưởng đến dòng tiền thu từ các dự án của Đầu tư Hải Phát nên đến ngày thanh toán lãi, Công ty chưa thể thu xếp đủ số tiền lãi nêu trên.

Công ty cho biết đã làm việc và thống nhất với các trái chủ về việc đã thanh toán đúng hạn tiền lãi cho 29/31 trái chủ; đối với 2 trái chủ còn lại, hai bên thống nhất về việc thanh toán đầy đủ tiền lãi trước ngày 31/3.

Theo tìm hiểu, trái phiếu mã HPXH2123011 được phát hành ngày 24/12/2021, kỳ hạn 24 tháng (đáo hạn 24/12/2023) với mệnh giá 450 tỷ đồng và lãi suất 10%/năm.

Tính tới 31/12/2022, Đầu tư Hải Phát đang sở hữu 166,6 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 1,8% tổng tài sản. Ngược lại, Công ty đang sử dụng 3.317,9 tỷ đồng nợ vay, chiếm 35,7% tổng nguồn vốn (nợ vay ngắn hạn là 1.298,4 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 2.019,5 tỷ đồng).

Chủ tịch, vợ và em trai đồng loạt bị đình chỉ giao dịch do "bán chui" cổ phiếu HPX

Một diễn biến đáng lưu ý khác, trong tháng 4/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Quý Hải (Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát) số tiền gần 1,26 tỷ đồng và đình chỉnh giao dịch có thời hạn 4 tháng do có hành vi vi phạm không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Trong đó, ngày 30/11/2022, ông Đỗ Quý Hải đã bán 6.279.600 cổ phiếu HPX, nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch.

Tương tự, cơ quan này vừa quyết định xử phạt 512,94 triệu đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng đối với bà Chu Thị Lương do có hành vi vi phạm hành chính là Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Trong đó, ngày 30/11/2022, bà Chu Thị Lương đã bán 2.564.700 cổ phiếu HPX nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt ông Đỗ Quý Đường 206,48 triệu đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng do có hành vi vi phạm hành chính là không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Trong đó, ngày 30/11/2022, ông Đỗ Quý Đường bán 1.032.400 cổ phiếu HPX, nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch.

Được biết, ông Đỗ Quý Đường là em trai ông Đỗ Quý Hải và bà Chu Thị Lương là vợ ông Đỗ Quý Hải. Trong đó, ông Đỗ Quý Hải là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát.

Như vậy, ông Đỗ Quý Hải cùng vợ và em trai bị phạt tổng cộng 1,98 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do hành vi “bán chui” cổ phiếu HPX.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/7, cổ phiếu HPX giảm 90 đồng về 4.040 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-hai-phat-noi-gi-khi-co-phieu-bi-dua-vao-dien-canh-bao-tu-ngay-117-d193878.html