Đầu năm thực hành 'ba biết' để hạnh phúc...

Một trong những điều khiến con người trăn trở nhiều nhất đó là làm thế nào để đạt được hạnh phúc trong đời sống.

TS. Nguyễn Thành Nam cho rằng, hạnh phúc phụ thuộc vào phương pháp sống hơn là mục đích sống của mỗi chúng ta. (Ảnh: NVCC)

Thường thì phải mất khá nhiều thời gian người ta mới nhận ra rằng hạnh phúc không đơn thuần là cảm giác khi đạt được các mục tiêu đã đề ra, mà hạnh phúc chính là cảm giác thoải mái, hài lòng và có ý nghĩa trong cuộc sống.

Hạnh phúc phụ thuộc vào phương pháp sống hơn là mục đích sống của mỗi chúng ta.

Để có thể tối đa hóa được được hạnh phúc trong đời sống, mỗi người cần có cách sống đúng đắn và hiệu quả, hay nói ngắn gọn là biết sống. Vậy ta cần biết gì để hạnh phúc?

Tôi cho rằng, có 3 thứ mà con người cần phải biết để có được hạnh phúc, đó là "biết việc", "biết mình" và "biết ơn".

Nếu biết được ba điều đó thì đời sống sẽ tốt đẹp và hạnh phúc, còn viên mãn đến mức độ nào thì phụ thuộc vào sự tinh thông cả ba yếu tố trên.

Yếu tố đầu tiên, "biết việc" là yếu tố quan trọng nhất vì nó là nền tảng cho hai yếu tố còn lại. Biết việc được tạo nên từ ba thành phần là biết làm việc để tạo giá trị, biết trách nhiệm trong công việc và biết cầu thị học hỏi để ngày càng tiến bộ.

Biết làm việc tức là có thể làm công việc cụ thể để tạo ra sản phẩm, dịch vụ cụ thể có giá trị phục vụ xã hội. Khi ta phục vụ xã hội thì xã hội sẽ trả lại thu nhập để ta duy trì đời sống, nhờ đó ta có thể sống một cách đàng hoàng, không mặc cảm.

Biết trách nhiệm là điều hết sức quan trọng, giúp cho sản phẩm, dịch vụ làm ra có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng, của xã hội. Mỗi người cần phải nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong cả công việc lẫn đời sống. Nếu năng lực được cấu thành từ ba yếu tố là kiến thức, kỹ năng, thái độ thì biết trách nhiệm là yếu tố cốt lõi của thái độ trong năng lực của chúng ta.

Biết cầu thị tức là biết lắng nghe để học hỏi, biết cập nhật đời sống để hoàn thiện, phát triển năng lực làm việc và cống hiến. Thời đại ngày nay là thời đại của sự thay đổi liên tục không ngừng, với sự tác động của trí tuệ nhân tạo, vậy nên mỗi người cần phải biết cầu thị để không bị lỗi thời, giảm sút giá trị, mất sức cạnh tranh và văng ra khỏi guồng quay của đời sống.

Yếu tố thứ hai, “biết mình” chính là nhận thức được bản thân ở mức độ sâu sắc nhất, tạo nên từ ba thành phần là biết cái mình thích, biết cái hợp mình và biết cái mình cần.

Biết cái mình thích cũng chính là biết cái mình không thích. Có cái mình thích lúc này nhưng lúc khác lại không thích, có cái không thích lúc này nhưng lúc khác lại thích. Lại còn có những cái lúc thích lúc không. Quan trọng nhất là biết được sự thích nó cũng vô thường như đời sống con người nên đừng tuyệt đối hóa nó.

Biết cái hợp mình tức là biết cái phù hợp với đặc điểm tâm lý, cơ cấu năng lực và nguồn lực của bản thân. Có nhiều thứ thích nhưng không phù hợp với bản thân, nếu cố chiếm hữu nó cho bằng được thì nó sẽ mang lại sự đau khổ. Vì vậy, cái hợp mình thì luôn quan trọng hơn cái mà mình thích.

Biết cái mình cần tức là biết những cái có ích thực sự cho đời sống của mình. Có rất nhiều thứ mình thích nhưng mình không hợp. Có nhiều thứ mình thích, mình hợp nhưng mình không cần. Cái mình thực sự cần thì không nhiều, càng ít cái mình cần thì càng dễ có được sự viên mãn.

Trong khi “cái mình cần” là quan trọng nhất thì “cái mình thích” lại là cái thu hút tâm trí của con người, làm phiền con người và cũng làm hại con người nhiều nhất. Con người đau khổ phần lớn là vì tiêu tốn quá nhiều nguồn lực vào những cái họ thích nhưng không phù hợp và không mang lại lợi ích cho chính họ. Nguồn lực của mỗi người là có hạn, trước tiên nên dành nó cho những thứ mình thực sự cần. Sau đó mới đến những thứ phù hợp với mình và cuối cùng mới tới những thứ mà mình thích.

Biết được cái mình thực sự cần cũng chính là biết đủ. Có lẽ một trong những bí quyết của hạnh phúc đó là tăng cường năng lực, đồng thời với việc tiết giảm nhu cầu. Khi nào năng lực tạo giá trị và nhu cầu về giá trị gặp nhau thì bắt đầu chạm tới hạnh phúc bền vững.

Mảnh ghép cuối cùng của hạnh phúc là “biết ơn” cũng được tạo thành từ ba thành phần, biết mình nhận gì từ ai, biết mình đóng góp được gì và biết mình đóng góp cho ai.

Biết mình nhận gì từ ai là vô cùng quan trọng. Không chỉ với người bình thường, mà ngay cả những vĩ nhân, thiên tài cũng phải "đứng trên vai những người khổng lồ" khác mới đạt được thành tựu. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, chẳng có ai trên đời này vĩ đại một mình được cả. Biết mình nhận được gì từ tiền nhân, từ những người xung quanh, từ xã hội sẽ giúp người ta sống khiêm tốn hơn và chừng mực hơn, nhận thức được sâu sắc hơn trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội.

Biết mình đóng góp được gì cũng quan trọng không kém. Đa số chúng ta thường nhận rất nhiều từ tiền nhân, từ xã hội, rồi thêm vào chút bé tí ti của cá nhân ta, rồi trao lại cho xã hội và cho thế hệ tiếp sau. Cái chúng ta đóng góp vào không chỉ nhỏ bé mà còn hữu hạn, sau một thời gian thì hầu như rút lại bằng không. Nhận thức được sự đóng góp của bản thân là thực sự nhỏ bé sẽ giúp con người không bị kiêu mãn.

Biết mình đóng góp cho ai là yếu tố đủ để hoàn thiện lòng biết ơn. Mỗi người chúng ta tùy vào tài năng và sức ảnh hưởng chỉ có thể mang lại lợi ích cho một số người nhất định trong một phạm vi nhất định. Vượt ra ngoài phạm vi đó thì chúng ta chẳng là gì cả, khi đó dù là người khác làm cho mình một việc rất nhỏ cũng là sự ban ơn. Nhiều người đi ra khỏi cái giếng ảnh hưởng của mình mà không biết, thể hiện quyền uy không đúng chỗ nên dễ bị ghét bỏ, chê cười.

Biết ơn rất quan trọng, giúp mỗi người xác định được vị trí của bản thân trong chuỗi giá trị. Biết được phạm vi ảnh hưởng, trường tác dụng của bản thân, từ đó biết tiết chế, biết cư xử đúng mực. Đó chính là nền tảng của một hạnh phúc bền lâu. Trong đời sống, biết ơn thường được xem là biết điều.

Con người có một thứ không ai có thể phớt lờ đi được, đó là các nỗi đau. Trong các nỗi đau của con người có những thứ thuộc về bản chất của đời sống nên buộc phải chấp nhận và vượt qua, nhưng cũng có nhiều nỗi đau khổ phát sinh từ sự thiếu hiểu biết mà nếu con người nhận thức được và biết cách cư xử phù hợp thì hoàn toàn có thể tránh, nhờ đó nâng cao được hàm lượng của hạnh phúc trong đời sống.

TS. Nguyễn Thành Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-nam-thuc-hanh-ba-biet-de-hanh-phuc-261033.html