Đầu năm chăm sóc ruộng đồng

Nông dân xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) chăm sóc lúa đông xuân. Ảnh: NGỌC HÂN

Những ngày tết, tiết trời se lạnh, tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh gây hại hoa màu. Chính vì vậy, nhiều bà con nông dân vui tết nhưng không quên chăm sóc, thăm nom ruộng đồng.

Tranh thủ thăm đồng

Trên các cánh đồng từ xã Hòa Thành đến các xã Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Đông… (TX Đông Hòa), sáng mùng 4 tết, nhiều hộ dân đã tranh thủ ra đồng dặm lúa, tháo nước vào ruộng. Không khí lao động sôi nổi, tiếng cười, tiếng nói xen lẫn lời thăm hỏi, chúc tết vang cả ruộng đồng.

Bà Lê Thị Siêng ở xã Hòa Thành cho biết: “Vụ lúa này, gia đình tôi gieo sạ hơn 5 sào với giống ML49. Mưa nhiều làm lúa hư nên tôi tranh thủ ra đồng dặm lại những chỗ lúa mọc thưa, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh để đẻ nhánh”.

Còn ông Huỳnh Văn Khoa ở xã Hòa Tân Đông chia sẻ: “Suốt mấy chục năm qua, năm nào trong dịp tết tôi cũng đi thăm lúa. Ngoài làm sạch cỏ ven bờ ruộng, tôi còn chú trọng cung cấp đủ nước cho cây, cắm cây bẹo bằng ni lông để chuột bớt cắn phá”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ đông xuân 2022-2023, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ hơn 24.063ha. Hiện cây lúa trong giai đoạn mạ, bắt đầu đẻ nhánh nhưng bị ốc bươu vàng, chuột phát sinh gây hại trên 13,2ha, tỉ lệ 5-10% dảnh tại các huyện Tuy An, Sơn Hòa và Phú Hòa. Ngoài ra, còn một số đối tượng sinh vật gây hại như bệnh sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bọ trĩ… rải rác tại một số địa phương. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương và nông dân đang áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống sâu bệnh hại cây lúa.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Vụ đông xuân này, toàn huyện gieo sạ hơn 2.401ha. Đơn vị đang phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tích cực hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa; phối hợp các hội, đoàn thể phát động phong trào diệt chuột để bảo vệ lúa; vận động nông dân thường xuyên thăm đồng ruộng để sớm phát hiện bệnh, không để bệnh gây hại nặng và lây lan.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Từ trước tết đến nay, bệnh khảm lá virus xuất hiện gây hại trên cây sắn giai đoạn đang nảy mầm, phát triển thân lá. Trên vùng trồng sắn ở các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), sau tết, nông dân đã chủ động phòng chống bệnh để không ảnh hưởng năng suất cuối vụ. Ông Nguyễn Kim Trọng ở xã Sơn Hội cho hay: Gia đình tôi hàng năm đều trồng hơn 1ha sắn, bệnh khảm lá luôn đeo bám loại cây này nên khi trồng phải chọn giống sắn sạch bệnh. Trong giai đoạn sắn phát triển thân lá, người trồng cần tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân và khi phát hiện cây bị bệnh thì nhổ bỏ ngay.

Ngoài bệnh khảm lá trên cây sắn, bệnh sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại trên cây bắp. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Dung ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), sau khi phát hiện bắp của gia đình trồng bị sâu keo mùa thu gây hại, bà đã báo cáo UBND xã để được kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. “Nhờ thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi tiến hành phun 3 lần thuốc nên sâu bệnh đã giảm. Chỉ có cách phun sớm ngay khi phát hiện sâu, chụm vòi phun vào ngọn bắp mới có hiệu quả”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên thông tin: Ngay từ đầu vụ, Sở NN-PTNT yêu cầu các địa phương bố trí hợp lý nhóm giống lúa trên cơ sở xem xét cụ thể điều kiện sản xuất từng vùng. Về phòng trừ sâu bệnh, Sở NN-PTNT yêu cầu kiểm tra và chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn lá để hạn chế lây lan trên diện rộng; hướng dẫn nông dân chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ trên đồng ruộng, bón phân thúc cân đối, điều tiết nước hợp lý... giúp cây lúa sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi và sinh vật gây hại.

Cũng theo ông Minh, hiện nay các loại hoa màu đang trong nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau, do đó đề nghị các địa phương tăng cường khuyến cáo nông dân áp dụng sản xuất theo đúng quy trình canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng…

Theo Sở NN-PTNT, đối với bắp, nông dân trồng 880ha, hiện sâu keo mùa thu gây hại diện tích nhiễm nhẹ 1ha giai đoạn sinh trưởng 3-7 lá tập trung ở huyện Phú Hòa, Sông Hinh; đối với sắn, bệnh khảm lá virus gây hại diện tích nhiễm nhẹ 45ha giai đoạn phát triển thân lá tại huyện Sơn Hòa; đối với cây mía, sâu đục thân và bệnh đốm vàng gây hại trên diện tích hơn 2.600ha đang giai đoạn vươn lóng tại huyện Sông Hinh...

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/292737/dau-nam-cham-soc-ruong-dong.html