Dấu mốc phát triển mới của luật pháp quốc tế

Việc Liên hợp quốc (LHQ) vừa qua đã thông qua Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả được xem là dấu mốc quan trọng trên hành trình phát triển luật pháp quốc tế.

Đoàn liên ngành Việt Nam tham dự Hội nghị liên Chính phủ LHQ. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ

Đoàn liên ngành Việt Nam tham dự Hội nghị liên Chính phủ LHQ. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ

Củng cố hơn nữa UNCLOS 1982

Hiệp định về Biển cả vừa được thông qua tại Hội nghị liên Chính phủ của LHQ diễn ra tại thành phố New York, Mỹ. Giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của văn kiện thứ 3 thực thi Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Việc thông qua Hiệp định về Biển cả được đa số quốc gia thành viên LHQ hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ. Đồng thời, thể hiện ý định sớm ký và phê chuẩn để Hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả. Trên hết, việc thông qua văn kiện quan trọng này được xem là thắng lợi của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương.

Theo đánh giá của Cuba - nước đại diện nhóm quốc gia đang phát triển, việc thông qua Hiệp định cũng là thắng lợi của các nước đang phát triển nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi và đoàn kết chặt chẽ. Còn theo bà Rena Lee - Chủ tịch Hội nghị liên Chính phủ, việc xây dựng Hiệp định là một công cuộc to lớn và có ý nghĩa sống còn. Quá trình này đã kéo dài gần 20 năm qua.

Truyền thông quốc tế đưa tin về sự kiện cho biết, Hiệp định về Biển cả được thông qua đã tạo nên nhiều cảm xúc đặc biệt, nhất là đối với những người trực tiếp tham gia thương lượng trong quá trình lâu dài và phức tạp, thậm chí có những thời điểm vô cùng gay gắt.

Điểm qua những nét chính, giới phân tích cho biết, UNCLOS 1982 quy định quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá trên biển cả ngoài vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời, quy định khoáng sản trong vùng đáy biển trên thềm lục địa của các nước, là di sản chung của nhân loại; thành lập cơ chế cấp phép, phân bổ lợi ích từ khai mỏ dưới đáy biển khơi, song chưa có cơ chế tương tự đối với nguồn gien biển. Hiệp định về Biển cả đã cụ thể hóa và phát triển UNCLOS 1982 trên khía cạnh này.

Hiệp định về Biển cả là hiệp định thứ 3 thực thi UNCLOS 1982, sau văn kiện về đàn cá di cư và văn kiện nhằm thực thi Phần XI của UNCLOS 1982. Hiệp định gồm 17 chương, 76 điều, 2 phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề, gồm: Chia sẻ lợi ích nguồn gien biển; Thiết lập vùng bảo tồn biển; Đánh giá tác động môi trường; Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính...

Tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn đàm phán khẳng định việc thông qua Hiệp định về Biển cả thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của hội nghị trong việc đạt được một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Văn kiện quan trọng này sẽ củng cố hơn nữa UNCLOS 1982 - bản Hiến pháp của đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương. Đặc biệt, Hiệp định về Biển cả là dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ LHQ về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.

Nhằm mục đích đảm bảo tôn trọng sự toàn vẹn của UNCLOS 1982, trong quá trình thực hiện Hiệp định sau này, liên quan đến quy định về việc Hội nghị các thành viên ký kết Hiệp định xem xét, đề nghị phân vùng để áp dụng biện pháp bảo tồn; đại diện Việt Nam cùng một số nước nhấn mạnh cách giải thích một số điều khoản mà Hội nghị liên Chính phủ đã nhất trí, như thể hiện trong Báo cáo của Hội nghị liên Chính phủ.

Việt Nam chủ động và có trách nhiệm đối với biển và đại dương

Theo khẳng định của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn..., tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương, theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

San hô ở vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

San hô ở vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, Việt Nam có nhu cầu tận dụng các biện pháp xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, cũng như nguồn lực tài chính của quỹ chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia để tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao. Từ đó, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, như các mục tiêu mà Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.

Với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về biển, cũng như về hội nhập quốc tế, với phương châm chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, một ngày không xa, Việt Nam sẽ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động trên vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, trong khu vực Đông Nam Á, cũng như những khu vực khác trên thế giới.

Chỉ thị 25-CT/TW, ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 nhấn mạnh yêu cầu chủ động tham gia, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế minh bạch, công bằng, dân chủ, bền vững; đồng thời, khai thác, phát huy tối đa lợi ích mà hợp tác đa phương mang lại. Trước yêu cầu đó, đối với đại diện Bộ Ngoại giao, cơ quan chủ trì tham gia Hiệp định cũng như Phái đoàn Việt Nam tại LHQ và các bộ, ngành phối hợp, việc thông qua Hiệp định mới chỉ là kết thúc của giai đoạn bắt đầu và sẽ còn cả một quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-moc-phat-trien-moi-cua-luat-phap-quoc-te-post463051.html