Dấu hỏi cho tham vọng xe điện châu Âu

Nhu cầu xe điện đang giảm mạnh tại nhiều nước châu Âu, đặt ra những thách thức lớn cho tham vọng loại bỏ hoàn toàn xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Doanh số bán xe điện giảm mạnh

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, doanh số bán ô tô điện đã giảm mạnh trên khắp châu Âu trong tháng 3-2024 do nhu cầu yếu bất chấp kế hoạch của các chính phủ về việc cấm bán xe chạy bằng xăng và dầu diesel mới vào năm 2035.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), doanh số bán ô tô điện đã giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng 3, xe điện chỉ chiếm 13% tổng số xe đăng ký mới, giảm nhẹ so với mức 13,9% của tháng 3-2023 và thấp hơn đáng kể so với mức 14,6% trong cả năm 2023.

Mặc dù vẫn có một số điểm sáng như doanh số bán hàng ở Bỉ tăng 23,8%, ở Pháp tăng 10,9% và Vương quốc Anh tăng 3,8%, nhưng nhìn chung, ở nhiều quốc gia, mức sụt giảm khiến người ta cảm thấy lo ngại về triển vọng của một thị trường được cho là mới và đang mở rộng.

Cụ thể, doanh số tại Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm 28,9% trong tháng 3. Ở một số nước khác, mức giảm thậm chí còn sâu hơn nhiều như Ireland (giảm 41,4%), Phần Lan (giảm 35,6%), Ý (giảm 34,4%) và Thụy Điển (giảm 33,7%).

Sự đình trệ diễn ra trên diện rộng và ảnh hưởng tới nhiều hãng xe. Các hãng Volkswagen, Mercedes-Benz và Tesla đều báo cáo doanh số bán xe điện tại châu Âu giảm trong ba tháng đầu năm.

Khó khăn tương tự cũng diễn ra đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Automotive News cho biết, trên khắp các trung tâm vận tải ở châu Âu, xe điện nhập khẩu chưa bán được đang chất đầy các kho chứa.

Chi phí cho xe điện vẫn còn quá cao

Có nhiều lý do đang ngăn cản việc phổ biến xe điện tại châu Âu, từ sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng trạm sạc, cho tới những bất tiện trong khi sử dụng. Và theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất vẫn là vấn đề chi phí, hiện vẫn quá cao đối với hầu hết người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu của Jato Dynamics, giá bán trung bình của một chiếc ô tô điện tại thị trường châu Âu là khoảng 65.000 euro. Con số này cao gần gấp đôi mức giá trung bình của một chiếc xe sử dụng động cơ truyền thống.

Một số chuyên gia kỳ vọng, sự xuất hiện các mẫu xe giá rẻ của Trung Quốc tại thị trường châu Âu có thể lật ngược tình thế. Tuy nhiên, giới chức châu Âu đang đặt ra những rào cản đáng kể, do lo ngại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây sức ép lên ngành sản xuất ô tô của khu vực.

Trong khi đó, các hãng ô tô châu Âu, cho đến nay, vẫn đang có xu hướng tập trung vào việc bán các mẫu xe điện lớn hơn, có khả năng mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Một yếu tố khác được chỉ ra là sự hạn chế của thị trường xe điện đã qua sử dụng. Đây được coi là lựa chọn phù hợp hơn đối với người tiêu dùng muốn tìm tới những lựa chọn có giá cả phải chăng hơn, thay vì mua xe mới tinh.

Tuy nhiên, những tiến bộ nhanh chóng về mặt công nghệ đã khiến nhiều người lo ngại về việc những mẫu xe điện cũ mà họ mua có thể bị lỗi thời. Bên cạnh đó, cuộc chiến giảm giá mà những hãng xe như Tesla đang tiến hành, cũng khiến giá bán của những mẫu xe đã qua sử dụng giảm rất nhanh, khiến nhiều người mua không còn cảm thấy mặn mà.

Sự thiếu ổn định trong các chính sách hỗ trợ của chính phủ

Những thay đổi trong các chính sách hỗ trợ của chính phủ càng khiến vấn đề giá cả trở nên phức tạp hơn. Theo Bloomberg, trong khi vào tháng 2, EU đã bỏ phiếu thông qua luật mới cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035, thì cùng lúc đó, các chương trình trợ cấp cho xe điện đã bị cắt giảm ở một số khu vực nhất định.

Tại Đức, chính phủ nước này, trong nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngân sách chưa từng có, đã đột ngột hủy bỏ chương trình trợ cấp cho xe điện hồi cuối năm ngoái và ngay lập tức khiến doanh số bán xe điện giảm một nửa trong tháng 12.

Những thay đổi tương tự cũng diễn ra tại Thụy Điển, một trong những thị trường xe điện hàng đầu châu Âu, với 39% số xe mới bán ra trong năm ngoái là ô tô điện.

Còn tại Vương quốc Anh, chính phủ nước này mới đây đã từ chối lời kêu gọi từ ngành công nghiệp ô tô về việc áp dụng trở lại khoản trợ cấp ô tô điện như một biện pháp thúc đẩy nhu cầu. Giới chức chính phủ cho biết, tính đến khi chấm dứt hôm 14-6-2022, chương trình trợ cấp xe điện đã bơm 1,5 tỉ bảng Anh để hỗ trợ sự phát triển của thị trường ô tô điện thời kỳ đầu.

Những dấu hỏi đối với tham vọng của châu Âu

Theo DW, để xoay chuyển tình hình, các hãng xe lớn như Volkswagen, Renault và Stellantis hiện đang xem xét việc thành lập các liên doanh để sản xuất xe điện giá rẻ.

Song song với đó, các nhà sản xuất ô tô đã bắt đầu vận động hành lang để nới lỏng các quy định hoặc trì hoãn kế hoạch chấm dứt bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035, đồng thời hạ thấp các tiêu chuẩn tạm thời mà họ phải áp dụng trong thời gian tới.

Một lựa chọn đáng chú ý mà các nhà sản xuất ô tô có thể tính đến là xe hybrid. Trong bối cảnh thị phần của cả xe điện lẫn xe sử dụng động cơ đốt trong đều sụt giảm, thị phần xe hybrid đã tăng từ 24,4% hồi tháng 3 năm ngoái lên 29% trong tháng 3 năm nay. Điều này cho thấy, ngay cả khi từ bỏ xe chạy động cơ đốt trong, nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn xe hybrid làm phương án thay thế, thay vì xe điện.

Ở góc độ chính phủ, nhiều nước hiện đang cố gắng lựa chọn cách tiếp cận có chọn lọc hơn trong việc đưa ra các khoản trợ cấp xe điện. Ý đang xem xét các khoản tài trợ lên tới 13.750 euro đối với các gia đình có thu nhập thấp muốn bán đi những chiếc ô tô cũ hàng chục năm và mua xe điện. Tại Pháp, các hợp đồng cho thuê xe điện giá rẻ của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron dành cho các hộ gia đình thu nhập thấp đã trở nên khá phổ biến.

Tuy nhiên, các quy định sẽ còn đối mặt với nhiều thay đổi trong bối cảnh quá trình chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện tại châu Âu đã bị chính trị hóa cao độ. Các chính sách tăng thuế nhiên liệu tại Pháp hồi năm 2018, hay mở rộng Vùng phát thải cực thấp tại London (Anh) trong thời gian gần đây đều đã vấp phải sự phản đối dữ dội.

Đảng AfD cực hữu của Đức gần đây cũng đã công kích việc chính phủ buộc các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang ô tô điện. Vấn đề này có thể trở nên nổi bật trong các cuộc bầu cử sắp tới vào tháng 9 tại các bang Thuringia, Brandenburg và Saxony, nơi AfD đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.

“Người tiêu dùng ở châu Âu vẫn đang chịu thiệt thòi vì các chính phủ thường xuyên thay đổi quy định trợ cấp xe điện”, ông Alexandre Marian, đối tác và Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn AlixPartners, đánh giá: “Điều thực sự cần thiết là việc phải duy trì một cách ổn định các quy định cho đến năm 2035”.

Nguồn: Bloomberg, Euronews, Autonews Europe, Telegraph, Autocar

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dau-hoi-cho-tham-vong-xe-dien-chau-au/